(HNM) - Sau hơn 1 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố, hôm qua 16-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TƯ thực hiện nhiệm vụ này đã tổng kết bước 1, nhằm chuẩn bị cơ sở trình Quốc hội xem xét có nên tiếp tục triển khai hay không?
Tăng cường dân chủ, trách nhiệm
Không tổ chức HĐND cấp quận,huyện, phường không ảnh hưởng đến quyền dân chủ đại diện của nhân dân, mà còn tạo thuận lợi cho người dân tham gia quản lý nhà nước. Ảnh: Nguyệt Ánh
Trước hội nghị, Ban Chỉ đạo TƯ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã cử 10 đoàn công tác khảo sát hiệu quả thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Kết quả cho thấy, thí điểm cơ bản đem lại hiệu quả thiết thực. Những lo ngại về bảo đảm dân chủ hay ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đã không còn. Thay vào đó, những con số thống kê đều cho thấy dấu hiệu tích cực hơn so với trước thí điểm. Chẳng hạn, tỷ lệ tiếp công dân tại các huyện đã tăng 17,6%, các quận tăng 6,3%, các phường tăng 11% so với trước thí điểm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nhận định: "Thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không những không ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhân dân khi tham gia quản lý nhà nước". Điều này cũng trùng khớp với ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phố.
Đại diện các địa phương đều khẳng định, khi HĐND huyện, quận, phường không còn, trách nhiệm thực hiện quyền dân chủ đại diện cho dân được tăng cường cho HĐND cấp tỉnh, thành phố, đại biểu Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Dân chủ của người dân tại địa phương được bảo đảm. Nhất là khi các đại biểu HĐND TP sẽ phải tăng cường xuống cơ sở, tăng cường tiếp xúc với dân. UBND các cấp cũng tăng cường đối thoại, tiếp dân nhiều hơn". Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ người dân, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bộc bạch: "Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy người dân phấn khởi hơn khi chỉ còn HĐND TP. Trước đây, HĐND quận, huyện, phường tồn tại mang nhiều tính hình thức, họ chỉ nghe thôi, không giải quyết được vấn đề của dân. Theo tôi, thí điểm giúp cơ chế dân chủ đại diện phát huy tốt hơn". Ông phân tích, nhờ bỏ HĐND cấp dưới, đại biểu HĐND TP sâu sát hơn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở hơn. Đây cũng là lý do khiến đại diện các tỉnh, thành phố đề nghị TƯ chỉ đạo tăng cường số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh chuyên trách. "Mỗi quận, huyện nên có ít nhất một đại biểu HĐND cấp tỉnh phụ trách. HĐND cấp tỉnh cũng nên tổ chức các tổ đại biểu ở quận, huyện tương tự mô hình của Quốc hội" - đại diện TP Hải Phòng đề xuất.
Kiến nghị áp dụng mô hình toàn quốc
Khẳng định tính hiệu quả của mô hình thí điểm, đại diện nhiều tỉnh, thành phố đã đề nghị Quốc hội áp dụng không tổ chức HĐND cấp huyện trở xuống trên phạm vi toàn quốc. Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Văn Kể nói: "Tháng 5-2011 bắt đầu bầu cử HĐND các cấp, nên từ nay tới lúc đó, Quốc hội nên quyết định rõ xem có nên áp dụng mô hình không tổ chức HĐND cấp huyện trở xuống hay không". Đồng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: "Chúng ta có đủ cơ sở chứng minh hiệu quả của mô hình này, nên Quốc hội cần sớm sửa Hiến pháp để luật hóa mô hình này".
Mặc dù thừa nhận thí điểm đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nhưng đại diện các địa phương cũng cho rằng, có rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Đáng kể nhất là vì thiếu cơ chế. Ông Bùi Ngọc Sương (Kiên Giang) phân tích: "Bỏ HĐND huyện, quận, phường có nghĩa là bỏ giám sát của các cơ quan này đối với UBND cùng cấp. Nhưng chúng ta vẫn chưa có quy định và hướng dẫn triển khai vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể". Ông đề nghị, Chính phủ và UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên sớm có nghị quyết liên tịch về vai trò giám sát của MTTQ cùng cấp ở nơi thí điểm. Cũng nhằm tăng cường giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đề nghị TƯ ra các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp trên cấp không tổ chức HĐND. Mặt khác, để tăng cường giám sát của HĐND cấp tỉnh, nên quy định tại mỗi kỳ họp các chủ tịch UBND cấp huyện phải có mặt và phải trả lời chất vấn khi có yêu cầu, HĐND cấp tỉnh cũng có thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với các vị này.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nhấn mạnh, thông tin từ các tỉnh, thành phố cho thấy, thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là chủ trương đúng đắn, nhiều mặt tích cực, có tính khả thi cao. Phó Thủ tướng ghi nhận hai luồng ý kiến khác nhau về mô hình thí điểm này: Áp dụng trên phạm vi toàn quốc và tiếp tục thí điểm. Đối với các đề nghị sửa Hiến pháp và các bộ luật liên quan, Phó Thủ tướng khẳng định, thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là việc lớn, liên quan tới toàn bộ hệ thống cơ quan Nhà nước. Ban Chỉ đạo TƯ sẽ tiếp tục cân nhắc, tính toán thận trọng trước khi đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định. Theo Phó Thủ tướng, sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ Đảng và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định bước tiếp theo.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng Hiệu quả mô hình thí điểm còn nổi bật về mặt tiết kiệm. Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho biết: "Quận Bình Thạnh thống kê sơ qua cho thấy có thể tiết kiệm được 1,7 tỷ đồng/năm nhờ bỏ HĐND. Tính chung cả TP có thể tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng/năm nhờ triển khai mô hình thí điểm này". Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Khương, tính toán chưa đầy đủ, Đà Nẵng tiết kiệm được khoảng 7 tỷ đồng/năm nhờ mô hình này. Đó là chưa kể những khoản tiết kiệm về thời gian hội họp, thời gian điều hành và từ việc giảm biên chế. Đại diện tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, chỉ cần một phường ở thành phố Rạch Giá đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng/năm nhờ bỏ HĐND. Tính ra, 10 tỉnh, thành phố thí điểm, số tiền tiết kiệm có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.