Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ áp dụng nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo” ?

ANHTHU| 09/04/2008 08:30

(HNM) - Một người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ, khi về Việt Nam (bằng hộ chiếu của Hoa Kỳ), kết hôn với người Việt Nam thì xác định đây là người có quốc tịch Việt Nam hay Hoa Kỳ? Nếu ghi quốc tịch Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ không giải quyết cho người này nhập cảnh, còn nếu ghi cả hai quốc tịch thì vi phạm Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998... Những điều bất cập này sẽ được xem xét, sửa đổi trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 9 năm thi hành Luật Quốc tịch, đã có 61.460 người xin thôi quốc tịch Việt Nam, 674 người xin nhập quốc tịch (đã giải quyết cho 231 trường hợp), 2.232 người xin được cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam. Các loại việc về quốc tịch này chủ yếu tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh. Số người xin thôi quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài chiếm 99,6%...

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá, trong 9 năm qua, số lượng hồ sơ về quốc tịch được giải quyết đạt con số kỷ lục. Tuy nhiên, cũng theo ông Liên, việc xử lý các hồ sơ về quốc tịch chưa tập trung vào một đầu mối nên công tác quản lý thiếu thống nhất. Hiện nay, Bộ Tư pháp chủ yếu quản lý hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, còn các loại hồ sơ xin chứng nhận có quốc tịch Việt Nam lại do UBND cấp tỉnh và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quản lý, dẫn đến chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về quốc tịch của toàn quốc.

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 qui định vấn đề một quốc tịch triệt để. Tuy nhiên, trong luật lại không có qui định nào bảo đảm thực hiện nguyên tắc này một cách triệt để. Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài, phần lớn trong số đó đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam (vì pháp luật nhiều nước không yêu cầu nhập quốc tịch nước này thì phải thôi quốc tịch gốc). Tình trạng này dẫn đến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bảo hộ công dân giữa Việt Nam và các nước, nhất là trong áp dụng pháp luật dân sự khi có tranh chấp hoặc hình sự khi công dân Việt Nam có hai quốc tịch vi phạm pháp luật Việt Nam. Thực hiện nguyên tắc một quốc tịch triệt để cũng không đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số Việt kiều, vì hầu hết họ đều không muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là sửa đổi Luật Quốc tịch như thế nào cho phù hợp thực tiễn. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Việt Nam đã thừa nhận hai quốc tịch trên thực tế. Vấn đề công nhận nguyên tắc một quốc tịch triệt để hay mềm dẻo, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên và giải quyết như thế nào khi có xung đột pháp luật xảy ra. Dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi) đưa ra hai phương án: Một là, bỏ qui định Nhà nước công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Cách thứ hai, qui định Nhà nước công nhận công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam thì trong các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, quốc tịch của người này được xác định thông qua hộ chiếu khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Dự thảo cũng đưa ra ba phương án qui định việc công dân nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam: Bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài (trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định); việc giữ hay không còn giữ quốc tịch nước ngoài được áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại và phương án thứ ba là bỏ các qui định này. Quốc tịch của trẻ em nước ngoài được cha hoặc mẹ là người Việt Nam nhận làm con nuôi thì theo thỏa thuận của cha mẹ, nếu không, trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi. Trẻ sinh ra có cha hoặc mẹ là người Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, thì quốc tịch của trẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Khi cha mẹ nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, quốc tịch của con chưa thành niên đang sinh sống cùng cha mẹ được thay đổi theo cha mẹ, nếu có đơn đề nghị.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định, việc sửa đổi Luật Quốc tịch phảiđặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nếu theo hướng một quốc tịch “mềm dẻo” thì những trường hợp được sử dụng nhiều quốc tịch phải có hệ quả pháp lý cụ thể.

Phương Thảo

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Sẽ áp dụng nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo” ?

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.