Trong bối cảnh toàn bộ chuỗi cung ứng đang chuyển mình theo hướng xanh hóa, việc doanh nghiệp tiên phong thực hiện các giải pháp bền vững không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Đây vừa là câu chuyện sản phẩm, vừa đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa con người và quy trình sản xuất, để mang lại những thay đổi sâu rộng.
SCG - tập đoàn đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN - hiện thực hóa cam kết bền vững, thông qua ba trụ cột: xây dựng nhận thức con người, đổi mới sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Con người xanh: Khơi dậy nhận thức, thúc đẩy hành động
Nhận thức là bước khởi đầu quan trọng để tạo nên thay đổi. Với SCG, hành trình xanh hóa bắt đầu từ việc xây dựng tư duy “xanh” trong toàn bộ hệ sinh thái, từ nội bộ tập đoàn đến các đối tác doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Tập đoàn triển khai các chương trình đào tạo định kỳ, trang bị kiến thức cho nhân viên nội bộ, đồng thời chuyển giao công nghệ để hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng nâng cao năng lực quản lý chất thải và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững.
Cùng với đó, nhận thức của giới trẻ về phát triển bền vững cũng là mối quan tâm hàng đầu đối với SCG. Do đó, chương trình học bổng “SCG Sharing the Dream” ra đời như cầu nối lan tỏa và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thế hệ xanh tương lai.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, chương trình còn lồng ghép giáo dục đổi mới, mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận kiến thức và thực hành ESG. Qua đó, SCG không chỉ đồng hành cùng thế hệ trẻ trong hành trình học tập mà còn truyền cảm hứng về trách nhiệm môi trường, góp phần xây dựng một thế hệ với tư duy bền vững.
Còn ở phạm vi rộng hơn là lan tỏa nhận thức xanh đến cộng đồng, SCG tiếp tục đồng hành thông qua các sáng kiến thiết thực như mô hình phân loại rác tại nguồn tại tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Tính đến tháng 11-2024, với hơn 21.000kg rác tái chế được thu gom, chương trình không chỉ góp phần giảm áp lực lên môi trường mà còn định hình ý thức tái chế trong cộng đồng.
Bên cạnh nâng cao nhận thức, những hoạt động này còn góp phần đảm bảo tất cả các bên trong chuỗi cung ứng đều được hưởng lợi từ mô hình kinh tế tuần hoàn.
Sản phẩm xanh: Từ đổi mới sáng tạo đến chuỗi cung ứng bền vững
Nếu con người là nền tảng, thì sản phẩm chính là động lực để SCG và các đối tác cùng nhau thực hiện chuyển đổi xanh. Với tư duy đổi mới sáng tạo, SCG phát triển các sản phẩm ứng dụng đa ngành, vừa giảm thiểu phát thải vừa định hình hành vi tiêu dùng bền vững, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn.
Đơn cử, việc sử dụng một bao xi măng carbon thấp có thể giúp giảm đến 20% phát thải CO₂ nhờ công nghệ cải tiến và sử dụng sinh khối thay thế nhiên liệu hóa thạch - không chỉ hỗ trợ các đối tác tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của thị trường. Trong khi đó, giải pháp SCGC Green Polymer™ - Giải pháp Polymer thân thiện với môi trường- đã giảm hơn 60.000 tấn CO₂ mỗi năm, đồng thời mở ra chuỗi cung ứng tuần hoàn khép kín thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Vilube.
Ngoài ra, SCG và các công ty thành viên vẫn tập trung phát triển các giải pháp bao bì bền vững như hộp carton chứa 95% giấy tái chế hay chai nhựa 50% nhựa PCR. Mỗi sản phẩm giờ đây đều thỏa tiêu chí giảm phát thải và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng tại Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.
Quy trình xanh: Hợp tác để tối ưu hóa sản xuất
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam, Tiến sĩ Chana Poomee, Giám đốc cấp cao về Phát triển bền vững của SCG, nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần sự hợp tác từ tất cả các bên. SCG không chỉ tiên phong phát triển các giải pháp bền vững mà còn cam kết đồng hành cùng các đối tác để lan tỏa giá trị xanh và thúc đẩy sự thay đổi trên toàn chuỗi cung ứng”.
Với tầm nhìn đó, là một mắt xích trong chuỗi cung ứng bền vững, tập đoàn đã phát triển nhiều giải pháp sáng tạo, tạo nên những mô hình tiền đề để các đối tác trong chuỗi cung ứng tham khảo và áp dụng.
Trọng tâm trong hành trình này là việc SCG chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm để các doanh nghiệp đối tác có thể áp dụng mô hình tương tự. Kết quả là trong năm 2023, các sản phẩm xanh của SCG đã đóng góp 330 triệu USD doanh thu, khẳng định tính khả thi và hiệu quả bền vững của chiến lược phát triển dựa trên sự hợp tác chặt chẽ trong toàn chuỗi cung ứng.
Một trong những dự án mang tính bền vững, có thể nhắc đến là tổ hợp hoá dầu Long Sơn được đầu tư hơn 100 triệu USD vào hệ thống đuốc đốt kín mặt đất và hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, giảm thiểu phát thải CO₂ trong quá trình sản xuất.
Hay tại các nhà máy xi măng, SCG đã thay thế 30% nhiên liệu hóa thạch bằng sinh khối, mở ra lộ trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ cho nội bộ mà còn cho toàn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các công ty thành viên thuộc SCGP đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất hiện tại đạt 40 megawatt.
Bằng cách kết nối con người, đổi mới sản phẩm và tối ưu hóa quy trình, SCG đã tạo nên một hệ sinh thái bền vững, nơi các đối tác cùng nhau phát triển và lan tỏa tư duy kinh tế tuần hoàn. Một tương lai bền vững không chỉ là mục tiêu của riêng SCG mà còn là hành trình chung, nơi giá trị kinh tế và môi trường phát triển song hành vì lợi ích lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.