Saudi Arabia đang tìm cách kéo giá “vàng đen” lên ít nhất 70 USD/thùng trong năm nay trước nhu cầu chi ngân sách cao.
Trên thực tế, Saudi Arabia đã thực hiện cắt giảm mạnh lượng dầu xuất khẩu nước này đưa ra thị trường trong hai tháng gần đây, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giúp giảm giá “vàng đen” trong khi Washington thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào hai nhà sản xuất dầu mỏ Iran và Venezuela.
Các quan chức Saudi Arabia tuyên bố chính sách sản lượng của quốc gia này là nhằm mục tiêu cân bằng thị trường và giảm nguồn dự trữ dầu thô đang ở mức cao trên toàn cầu hiện nay.
“Saudi Arabia muốn giá dầu duy trì ở mức ít nhất 70 USD/thùng và không hề quá lo ngại về dầu mỏ đá phiến từ Mỹ”, một nguồn tin thân cận với chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia khẳng định.
Tuy nhiên, Giám đốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á, ông Jihad Azour cho rằng, ngay cả khi giá dầu dao động quanh ngưỡng 70 USD/thùng thì cũng chưa thể giúp Saudi Arabia cân bằng cán cân ngân sách trong năm nay. Thay vào đó, Riyadh thậm chí có thể cần giá dầu tiệm cận mức 80-85 USD/thùng.
Chia sẻ quan điểm trên, Giám đốc điều hành (CEO) của Black Gold Investors và đồng thời là một chuyên gia phân tích dầu mỏ kỳ cựu, Gary Ross cũng cho rằng với nhu cầu chi ngân sách cao cho các dự án phát triển kinh tế và xã hội, Riyadh thực sự cần kéo giá dầu mỏ vượt mức 70 USD/thùng.
Họ sẽ phải thuyết phục Nga tiếp tục chiến lược cắt giảm sản lượng, bất chấp khả năng đánh mất thị phần vào tay các đối thủ dầu khí đá phiến từ Mỹ. Saudi Arabia có kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ xuống dưới 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới, đồng thời đang kêu gọi OPEC và các đối tác tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm 2019.
Trong khi đó, Mỹ hiện sản xuất khoảng 12 triệu thùng dầu/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sản lượng dầu mỏ của Mỹ thậm chí có thể tăng thêm tới 4 triệu thùng/ngày trong vòng 5 năm tới.
Mức tăng rất lớn này cho phép Mỹ chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu, thậm chí có thể “qua mặt” Saudi Arabia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.