Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau lương sẽ là gì ?

Thế Vũ| 16/10/2010 08:22

(HNM)- Vấn đề được đề cập ở đây là chuyện mức lương mà các CLB phải chi trả cho cầu thủ trong mỗi mùa giải. Theo thống kê của LĐBĐ Việt Nam (VFF), bắt đầu từ giai đoạn 2006-2010, giá chuyển nhượng tăng chóng mặt, và đi kèm với đó là lương trung bình của cầu thủ đã từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng, tăng lên hơn 20 triệu đồng/tháng.


Chế độ đãi ngộ, tiền lương đôi khi không tương xứng với chất lượng chuyên môn của các cầu thủ. Ảnh: Như Ý


Cá biệt, có những cầu thủ hưởng lương tới 50 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể ngoài lương, cầu thủ còn được hưởng thêm nhiều khoản khác như tiền ra sân, tiền thưởng… Tiền thưởng cho một trận thắng của các "đại gia" như XM.HP, HA.GL hay Hà Nội T&T, thậm chí cả các đội nhỏ hơn như LS.Thanh Hóa, Hòa Phát Hà Nội có thể lên tới 400-500 triệu đồng. Mức độ gia tăng lương trung bình của cầu thủ, theo đánh giá của VFF là không thể kiểm soát nổi.

Đối với ngoại binh, từ chỗ lương ban đầu chỉ dao động từ 4.000-8.000 USD/tháng thì trong 3 năm gần đây đã tăng lên mức trên dưới 10.000 USD/tháng. Đối với các "sao" như Leandro (XM.HP), Huỳnh Kesley Alves (B.Bình Dương) hay Lee Nguyễn (B.Bình Dương), tiền lương (và cả tiền thưởng) thậm chí còn vượt xa những con số trên. Việc Leandro cuối mùa giải vừa qua rời bỏ XM.HP được cho là có một phần bắt nguồn từ chuyện đội bóng thành phố Cảng không chấp nhận yêu cầu trả mức lương 20.000 USD/tháng cùng phí "lót tay" 600.000 USD cho 2 năm hợp đồng của tiền vệ người Brazil.

Trong số các CLB ở V.League, HA.GL là đội phải chi nhiều nhất cho ngoại binh. Thống kê mùa giải 2010, đội bóng phố Núi đã phải chi hơn 20 tỷ đồng tiền lương cho các cầu thủ, trong đó riêng ngoại binh chiếm hơn 15 tỷ đồng, nội binh chỉ hơn 4 tỷ đồng. Sự mất cân bằng là điều có thể thấy rõ qua hai con số trên. Một ví dụ khác là B.Bình Dương. Tương tự HA.GL, tiền lương của cầu thủ B.Bình Dương trong mùa giải 2010 cũng lên tới trên 20 tỷ đồng, chiếm một nửa trong tổng số chi tiêu của đội bóng này. Tuy nhiên, sự chênh lệch về lương giữa ngoại binh và nội binh ở B.Bình Dương thấp hơn, lần lượt là 11,7 tỷ đồng và 8,6 tỷ đồng. Thấp hơn B.Bình Dương và HA.GL, Hòa Phát Hà Nội và XM.HP là hai đội có mức chi lương cầu thủ cao nhất (lần lượt là 13,51 tỷ đồng và 17 tỷ đồng).

Trong số các CLB có khoản chi tiền lương cầu thủ ít nhất thì ngoài Megastar Nam Định (5,4 tỷ đồng) hay TĐCS.Đồng Tháp (9 tỷ đồng), bất ngờ lớn nhất là Hà Nội T&T chỉ chi hơn 8 tỷ đồng. Tổng chi của Hà Nội T&T ở mùa giải 2010, theo thống kê của VFF, cũng chỉ hơn 18 tỷ đồng, kém xa so với các đội bóng khác như XM.HP, The Vissai Ninh Bình hay thậm chí là cả LS.Thanh Hóa. Có thể hiểu rằng không như "mác" "đại gia" của mình, Hà Nội T&T chi tiêu khá chặt chẽ. Cần chú ý rằng số ngoại binh ở mỗi CLB, theo hạn ngạch đăng ký của VFF chỉ là 5 người.

Có một thực tế đáng buồn là không phải mức lương cao luôn đồng hành cùng hiệu quả trên sân đấu. Nhiều CLB thậm chí đã phải "khóc" trước cảnh ngoại binh và nội binh đấu đá lẫn nhau do chênh lệch về chế độ đãi ngộ. XM.HP là một ví dụ điển hình. Nội bộ đội bóng của HLV Vương Tiến Dũng đã chao đảo bởi chuyện "gà nhà đá nhau" xảy ra như cơm bữa giữa các ngôi sao. Chỉ khi bước vào giai đoạn lượt về, HLV Vương Tiến Dũng "mạnh tay" hơn với các hành vi nổi loạn, XM.HP mới thi đấu khởi sắc trở lại. SHB.Đà Nẵng, B.Bình Dương và nhiều "ông lớn" khác ít nhiều cũng chung cảnh khốn đốn mỗi khi các ngoại binh… tự nhiên trở chứng.

Một cách rất dễ hình dung, so với nhiều môn thể thao khác luôn trong cảnh "chạy ăn từng bữa" với mức lương trung bình chỉ 2-3 triệu đồng/vận động viên/tháng thì với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh hiện nay, các cầu thủ bóng đá của chúng ta đang được hưởng thu nhập như các sao. Nhưng giá trị thực của các ngôi sao ấy thế nào lại là một chuyện đáng bàn khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau lương sẽ là gì ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.