Bếp than tổ ong hiện nay được rất nhiều gia đình sử dụng cho nhu cầu đun nấu đặc biệt là vào mùa đông. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cấp cứu, tử vong vì bếp than tổ ong.
Đưa thần chết vào nhà
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà trú tại Thường Tín, Hà Nội trọ ở Tân Mai, Hà Nội làm nghề bán trứng vịt lộn luộc. Mùa đông, trời mưa nên chị Hà tranh thủ cho bếp than tổ ong vào căn nhà trọ của mình để luộc.
Căn nhà bé xíu, đóng cửa kính kín mít nên cả vợ chồng chị và đứa con nhỏ đã bị ngạt khí CO2. Cả gia đình chị Hà được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch.
Trường hợp của chị Trần Thị Thanh Loan trú tại Tương Mai, Hà Nội cũng tương tự. Chị Loan kể hôm đó trời mưa bếp than để ở ngoài sợ tắt. Trời rét nên chị và hai cô bạn cùng phòng đưa bếp than tổ ong vào trong nhà để vừa sưởi ấm, vừa giữ than không tắt.
Một lát sau, hai người bạn đã ngủ còn chị Loan đang ngồi làm việc thấy cảm giác buồn nôn, tức ngực, khó thở nên chạy ra mở cửa cầu cứu hàng xóm.
Khi vào thì cả hai cô bạn đã lịm đi vì ngộ độc bếp than tổ ong. May mắn nhà gần bệnh viện nên đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Than tổ ong là sát thủ gây nên nhiều cái chết thương tâm. |
Nhiều trường hợp đã tử vong thậm chỉ cả gia đình vì sưởi ấm bếp than, hoặc đun bếp than tổ ong trong điều kiện chật hẹp.
Vũ Thị Trâm trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa không thể nào quên được những ngày tháng chị đi làm phụ bếp cho một quán cơm bụi ở ngõ Tự Do, trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội.
Chị Trâm kể hàng ngày chị chui vào căn phòng bếp sâu hun hút và bếp chủ yếu đun bằng than tổ ong. Những ngày đầu chị vào làm luôn có tình trạng khó thở, mệt và sau hơn 3 tháng làm việc chị bị ho nặng.
Đi khám ở bệnh viện bác sĩ cho biết chị bị viêm phổi. Nguyên nhân có thể do tiếp xúc với khí than quá nhiều.
Dùng để đun đã nguy hiểm, dùng để sưởi nguy hiểm gấp bội
PGS Nguyễn Duy Khương – Nguyên trưởng bộ môn sức khỏe Nghề nghiệp trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Lao phổi TƯ cho biết việc đun bếp than tổ ong rất nguy hiểm và sưởi ấm bằng than tổ ong nguy hiểm hơn gấp bội lần.
Theo PGS Khương hiện nay người dân sử dụng than tổ ong vẫn còn nhiều ngay cả trong thành phố nhiều gia đình không có điều kiện đun gas, đun bếp điện từ họ phải đun than tổ ong.
Mà than tổ ong chủ yếu làm từ than cám, than vụn chứa nhiều lưu huỳnh khi đun tạo ra khí sunfua dioxit (SO2). 90% khí SO2 trong không khí là do con người tạo ra.
Khí sunfua dioxit được hình thành khi đốt cháy các chất đốt có chứa sunfua (lưu huỳnh), như than hoặc dầu, và khi xăng dầu được hóa chế từ dầu thô hoặc kim loại được chế xuất từ quá trình luyện quặng.
Tác hại của SO2 đối với phổi rất rõ ràng. Khi hít thở phải không khí có chứa sunfua dioxit. Kích thích mũi, họng và đường thở gây ra ho, thở khò khè, thở nhanh nông hoặc có cảm giác bó chặt lấy lồng ngực.
Ảnh hưởng của SO2 là rất nhanh và có thể có triệu chứng xấu nhất trong vòng 10 hoặc 15 phút sau khi hít thở phải khí SO2.
Không chỉ ngộ độc do SO2 mà còn ngộ độc do khí CO2, CO. Loại khí này không có màu, không có mùi nó như thần chết âm thầm tiêu diệt con người. Đặc biệt là khí CO.
Khí này có ái lực với hồng cầu mạnh hơn ôxy khoảng 250 lần nên khi vào máu, CO gắn chặt với hồng cầu khiến cho hồng cầu mất chức năng chuyên chở ôxy từ phổi tới các tế bào.
Mặt khác, CO còn gắn với myoglobin trong tế bào cơ và các cytocrom gây nên tổn thương cơ, đặc biệt là cơ tim và thương tổn hệ thần kinh. Nồng độ khí CO lên tới 0,1% trong không khí đã đủ nguy hiểm cho sức khỏe con người.
PGS Khương khuyến cáo không chỉ gây tử vong khi ngộ độc tức thời mà sử dụng bếp than tổ ong lâu dài còn gây ra các bệnh phổi mạn tĩnh trong đó có bệnh lao phổi nữa.
Bệnh lao phổi thường gặp ở những người nghèo, sống trong điều kiện nhà ở chật chội, kém vệ sinh, là những điều kiện dễ mắc bệnh lao.
Do vậy muốn dự phòng và tránh nhiễm lao thì tốt nhất nên loại bỏ than tổ ong ra khỏi bếp đun, mặc dù đun bếp than tổ ong là rẻ nhưng về y tế là không có lợi về kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.