Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sát sao trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc

Hiền Thu| 07/12/2022 11:50

(HNMO) - Tiếp tục phiên làm việc buổi sáng 7-12, tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã nghe các báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan thành phố.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trình bày báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Cử tri và nhân dân Thủ đô băn khoăn về một số vấn đề

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã trình bày thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2022 và những đề nghị với HĐND, UBND thành phố.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương cho biết, thời gian qua, cử tri và nhân dân Thủ đô đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, công tác điều hành quyết liệt của chính quyền với các giải pháp hữu hiệu giúp nhân dân, doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô năm 2022 tăng trưởng đạt 8,8% với 22/22 chỉ tiêu đạt và vượt (trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra). Bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế, công tác an sinh xã hội, chăm lo người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, hộ nghèo... được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên quan tâm.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Nguy cơ và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về chính trị, kinh tế trong khu vực và thế giới do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tác động của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự điều hành của các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan đối với việc cung ứng xăng dầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng phải cho công nhân ngừng việc, nghỉ việc.

Việc giá một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, trong khi lương và các khoản thu nhập khác chậm tăng, ảnh hưởng đến đời sống người lao động và nhân dân. Nhiều dự án chậm triển khai, hiệu quả đầu tư thấp, dự án treo chưa được giải quyết triệt để; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập; tình trạng người dân mua nhà chung cư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhiều năm, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà gây bức xúc trong nhân dân.

Tình trạng ùn tắc giao thông tăng trở lại; việc xây dựng các bãi đỗ xe chậm triển khai; nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp, thiếu đèn chiếu sáng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; nhiều tuyến phố lát đá vỉa hè mới thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng...

Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị và tiếp tục đề nghị HĐND, UBND thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị; tiến độ thực hiện các dự án; giao thông; ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải; xem xét kiến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và lợi ích của nhân dân.

Thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; có giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, khai hiệu quả tiềm năng du lịch Thủ đô. Có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp; giá cả các mặt hàng phục vụ Tết, tránh tình trạng tạo khan hàng, tăng giá; ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đẩy mạnh quản lý trật tự xã hội dịp cuối năm; tăng cường an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Tỷ lệ giải quyết vụ việc đạt 90%

Trình bày báo cáo công tác xét xử của Tòa án nhân dân thành phố năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, trong năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 38.842 vụ việc, giải quyết 34.807 vụ việc, đạt tỷ lệ 90%. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 4.019 vụ việc, số giải quyết tăng 7.294 vụ việc.

Trong đó, có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra các trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Đáng chú ý, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường. Mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp cùng Công an thành phố Hà Nội và UBND một số quận, huyện triển khai xét xử trực tuyến được 121 vụ án hình sự và hành chính.

Các vụ án đều được tập trung giải quyết kịp thời

Báo cáo công tác kiểm sát năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường cho biết, năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã thực hiện quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.144 vụ/11.643 bị cáo bị cáo; thụ lý thực hiện quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm 644 vụ/1.060 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 6.144 vụ/11.643 bị cáo, xét xử phúc thẩm 644 vụ/1.060 bị cáo; không có trường hợp nào Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Đặc biệt, Viện Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương, thành phố thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhiều vụ, việc phức tạp, các vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Thành ủy Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Các vụ án đều được tập trung giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Viện Kiểm sát hai cấp cũng đã phối hợp với Tòa án tổ chức 574 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp (trong đó có nhiều phiên tòa tổ chức theo hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội) nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng cho kiểm sát viên tại phiên tòa.

Tại kỳ họp, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố thay mặt các ban HĐND thành phố Hà Nội trình bày tóm tắt báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023 của thành phố; Thư ký kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố; Ban Pháp chế HĐND thành phố trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra công tác chấp hành pháp luật năm 2022 của thành phố.

Tiếp đó, UBND thành phố trình bày tóm tắt các tờ trình về: Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2023; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố); Thư ký kỳ họp trình bày dự thảo nghị quyết về 2 nội dung trên; Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố trình bày báo cáo thẩm tra 2 nội dung trên.

Chiều nay, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục làm việc theo chương trình kỳ họp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sát sao trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.