Nông thôn mới

Sắp xếp đơn vị hành chính một cách khoa học, toàn diện: Tạo niềm tin và động lực phát triển

Bạch Thanh 23/12/2024 - 08:48

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Gia Lâm đã cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất địa giới hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để từ ngày 1-1-2025, các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động với sự đồng thuận rất cao từ phía nhân dân.

gia-lam-2.jpg
Những tuyến đường khang trang, sạch đẹp ở xã Dương Hà (huyện Gia Lâm).

Sáp nhập một cách khoa học, toàn diện

Thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15, huyện Gia Lâm đã sắp xếp 10 xã thuộc diện sáp nhập, bao gồm: Phù Đổng, Trung Mầu, Dương Hà, Đình Xuyên, Bát Tràng, Đông Dư, Kim Lan, Văn Đức, Kim Sơn và Phú Thị. Quá trình xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính được huyện Gia Lâm thực hiện một cách khoa học, toàn diện. Lịch sử hình thành, bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính đã được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm sự tương đồng và phù hợp.

Trong đó, xã Đình Xuyên và xã Dương Hà sáp nhập, thành lập xã mới mang tên Thiên Đức, được người dân đồng thuận cao với tỷ lệ ủng hộ lên tới 94% trong các cuộc lấy ý kiến. Đình Xuyên và Dương Hà cũng là 2 xã có nền văn hóa, kinh tế và phong tục tập quán tương đồng, với nhiều điểm chung về sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đình Xuyên Nguyễn Trọng Tính cho biết, việc lấy tên "Thiên Đức" - một dòng sông cổ chảy qua địa bàn. thể hiện mong muốn về sự thịnh vượng và phát triển của xã mới. Sau sáp nhập, xã Thiên Đức có quy mô dân số gần 19.000 người.

Tại xã Đình Xuyên, kinh tế của xã đang tập trung vào thương mại, dịch vụ, với hơn 80% dân cư tham gia các hoạt động kinh doanh buôn bán; thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/năm. Thời gian qua, Đình Xuyên đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải thiện hạ tầng nông thôn, từ bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, xây dựng hệ thống điện, trường học, đến các công trình công cộng khác. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Xã mới Thiên Đức nằm ở trung tâm khu vực Bắc Đuống, gần Khu đô thị N9 đang được quy hoạch và phát triển. Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với các tuyến đường lớn, như: Cầu Giang Biên, quốc lộ 3, Khu đô thị Ninh Hiệp. Khi các dự án hạ tầng hoàn thiện, việc di chuyển từ Thiên Đức đến trung tâm nội thành chỉ còn khoảng 3-4km, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, kinh doanh và phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với nhịp sống hiện đại, sẽ tạo nên một Thiên Đức vừa mang nét đẹp của vùng quê, vừa sẵn sàng hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.

Cụ Nguyễn Văn Dỵ (thôn 1, xã Đình Xuyên) chia sẻ: “Việc hợp nhất hai xã là cần thiết và phù hợp với xu thế hiện đại. Đình Xuyên và Dương Hà có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống, nên việc sáp nhập không gây nhiều xáo trộn. Tôi hy vọng chính quyền xã mới sẽ quan tâm hơn đến các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo cho các thế hệ trẻ, để họ có môi trường phát triển tốt hơn, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã Thiên Đức”.

Còn Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Văn Chăm cho biết, sau khi sáp nhập, xã Kim Sơn và xã Phú Thị thành xã Phú Sơn có dân số là 25.000 người. Xã mới có địa bàn rộng hơn, công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và giải quyết thủ tục hành chính đặt ra những thách thức không nhỏ đối với bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, điều quan trọng sau sáp nhập là địa phương có thêm điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ và nông nghiệp hiện đại, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trong quá trình sáp nhập, việc quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ là một trong những vấn đề được xã Kim Sơn và xã Phú Thị đề xuất với lãnh đạo huyện Gia Lâm xem xét, bảo đảm tính công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận cao.

Công khai, minh bạch và đồng thuận cao

Để đạt được kết quả tích cực trong công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền chia sẻ, huyện đã huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, huyện đã tạo được sự đồng thuận cao, thống nhất về nhận thức và hành động, giúp quá trình triển khai diễn ra thuận lợi, hiệu quả.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, trong suốt quá trình thực hiện, huyện đã kịp thời nắm bắt tình hình dư luận. Các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với cấp ủy Đảng địa phương trong việc giám sát, bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả của từng bước sắp xếp. Đồng thời, huyện đã quan tâm, đề xuất các giải pháp cụ thể để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách bị dôi dư sau sắp xếp. Theo đó, huyện đã triển khai sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách theo lộ trình và đúng quy định. Bên cạnh đó, UBND huyện đã xây dựng phương án chi tiết về sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp không đủ điều kiện tái cử hoặc bị dôi dư. Việc bố trí này được triển khai đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính liên thông, đúng hướng dẫn của Trung ương và thành phố.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị quan trọng, lợi ích của việc sáp nhập. Điều này không chỉ góp phần khơi dậy niềm tin trong nhân dân, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau sáp nhập. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền tin tưởng, với nền tảng đồng thuận cao từ chính quyền và nhân dân, bộ máy hành chính mới sẽ sẵn sàng vận hành hiệu quả từ ngày 1-1-2025, góp phần đưa huyện Gia Lâm tiếp tục phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp đơn vị hành chính một cách khoa học, toàn diện: Tạo niềm tin và động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.