(HNMO) - Chiều 24-12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn 2019-2021” đã làm việc với UBND thành phố và một số sở, ngành, quận, huyện liên quan về nội dung này.
Dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, thành phố đã nghiêm túc triển khai xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo đúng chỉ đạo. Theo đó, Hà Nội không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp; có 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp (6 xã, 6 phường). Mặc dù các đơn vị hành chính cấp xã có nhiều yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa... nhưng thành phố vẫn quyết tâm sắp xếp 7/12 đơn vị hành chính cấp xã và đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2020. Các đơn vị chưa sắp xếp được do đại bộ phận cử tri bày tỏ nguyện vọng được giữ nguyên đơn vị hành chính.
UBND các quận, huyện đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp những người có phẩm chất, năng lực, điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhận những vị trí công tác tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành, bảo đảm theo quy định, gắn với việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Các chế độ đãi ngộ cho cán bộ sau sắp xếp đều được bảo đảm theo quy định.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn cho biết, thành phố Hà Nội kiến nghị Trung ương cho phép chưa tiếp tục thực hiện việc sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã còn lại trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, kiến nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô, dân số và diện tích của đơn vị hành chính các cấp được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do tiêu chuẩn quá cao so với thực tế tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan của UBND thành phố giải đáp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Đồng thời, các thành viên Đoàn giám sát cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế qua đợt giám sát vừa qua cũng như khi triển khai tại các tỉnh, thành phố khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh. Theo đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần làm rõ tính đặc thù, trong đó tính đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính sao cho phù hợp với quy mô về diện tích cũng như dân số. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển chính quyền đô thị để bộ máy tổ chức ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai thay mặt Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả mà thành phố Hà Nội đạt được khi triển khai thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2019-2021. Trong đó, việc sắp xếp đạt được mục tiêu đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị các đơn vị liên quan của UBND thành phố cần chủ động rà soát, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để có lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt gắn với xây dựng chính quyền đô thị cũng như quy hoạch chung của Thủ đô. Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân đồng thuận trong triển khai thực hiện; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ một cách thỏa đáng cho các lao động dôi dư sau khi sắp xếp; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sau sắp xếp để hoạt động hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.