Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội: Bài học lớn từ sự đồng thuận

Đình Hiệp| 28/12/2021 06:12

LTS: Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, thành phố Hà Nội đã sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã của các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Phú Xuyên. Từ khi đi vào hoạt động ngày 1-3-2020 đến nay, việc sắp xếp đã góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Thực tiễn triển khai thành công đã cho thấy bài học lớn từ sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, bộ phận “một cửa” UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) được đầu tư khang trang, phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh: Đình Hiệp

Bài 1: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền

(HNM) - Thành công nổi bật của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội là cơ bản khắc phục tình trạng một xã không đạt 50% cả 2 tiêu chí về quy mô dân số và diện tích; qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền địa phương. Cùng với đó, việc sắp xếp còn tạo thuận lợi trong huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn

Trước khi thực hiện sắp xếp, thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện và 1 thị xã); 584 đơn vị hành chính cấp xã (386 xã, 177 phường và 21 thị trấn). Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/ UBTVQH14 (Nghị quyết 653), thành phố đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (gồm 7 xã, phường phải sắp xếp và 3 xã, phường liền kề có ảnh hưởng) và giảm được 5 đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

Có mặt tại UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) một chiều cuối tháng 12-2021, phóng viên nhận thấy có nhiều người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Vừa đợi đến lượt để xác nhận thủ tục liên quan đến thừa kế tài sản, bà Lê Thị Tâm (32 Mai Hắc Đế) cho biết, trước đây gia đình thuộc phường Bùi Thị Xuân, sau khi sáp nhập trở thành công dân phường Nguyễn Du. Bà Tâm chia sẻ: “Từ khi sáp nhập đến nay, người dân không gặp khó khăn nào khi giải quyết các thủ tục hành chính tại phường mới. Các cán bộ, công chức làm việc nhiệt tình, chuyên nghiệp và trụ sở mới khang trang, sạch đẹp hơn nên ai cũng thấy hài lòng”.

Theo quy định thì quận Hai Bà Trưng có 4 phường không đạt cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số phải sắp xếp, gồm: Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Ngô Thì Nhậm. Sau khi sắp xếp chỉ còn 2 phường là Nguyễn Du và Phạm Đình Hổ. Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng cho biết, tổng số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp là 118 người, sau khi sắp xếp đã giảm xuống còn 60 người, nên bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.

“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương. Việc sắp xếp được thực hiện theo phương án hợp nhất đơn vị hành chính cấp phường, nên mô hình quản lý không có sự thay đổi và không làm ảnh hưởng nhiều đến giao dịch hành chính của các tổ chức, công dân”, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Thực hiện Nghị quyết 653, huyện Phú Xuyên sáp nhập xã Thụy Phú và Văn Nhân thành xã mới mang tên Nam Tiến. Đến nay, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của xã Nam Tiến đã ổn định. Sau khi sáp nhập đã giảm 11 đầu mối, giảm 18 cán bộ, công chức và 10 cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần giúp xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) có thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Thêm nguồn lực phát triển

Thực hiện Nghị quyết 653, huyện Phúc Thọ sáp nhập 4 xã, gồm: Phương Độ sáp nhập với Sen Chiểu thành xã Sen Phương; Cẩm Đình sáp nhập với Xuân Phú thành xã Xuân Đình. Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, thông qua sắp xếp giúp các đơn vị hành chính mới có thêm thế và lực cũng như tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. 

Khẳng định những lợi ích về kinh tế - xã hội nhờ việc sắp xếp địa giới hành chính đem lại, Bí thư Đảng ủy xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) Khuất Duy Quỹ cho biết, sau khi sáp nhập, xã Sen Phương có diện tích tự nhiên tăng lên 7,89km2 và quy mô dân số đến ngày 14-12-2021 là 12.822 nhân khẩu. “Việc tinh giản biên chế sau khi sáp nhập đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách của huyện mỗi năm khoảng 3,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế...”, đồng chí Khuất Duy Quỹ thông tin.

Còn tại huyện Phú Xuyên, việc sắp xếp địa giới hành chính giúp xã Nam Tiến tăng tổng diện tích tự nhiên lên 6,5km2 và quy mô dân số 8.638 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho rằng, việc sắp xếp giúp xã mới có đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch một cách quy mô, tăng khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách trên địa bàn.

Được sự thống nhất và chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 20-9-2019 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên việc sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận lớn trong nhân dân tại các địa phương, qua đó phát huy hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước.

(Còn nữa)

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì phường thuộc quận phải có dân số từ 15.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên; còn xã có dân số từ 8.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 30km2 trở lên. Theo quy định này, thành phố hiện có 5 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội: Bài học lớn từ sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.