(HNM) - Theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 19 phường thuộc 6 quận phải sắp xếp, sáp nhập. Khối lượng công việc tăng rất lớn, nhưng mọi hoạt động tại các phường thành lập mới đều được duy trì liên tục, thông suốt, không gián đoạn. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố, đặc biệt vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Hồ sơ nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn
Anh Đặng Thái Nam thường trú tại phường Võ Thị Sáu (quận 3) cho biết, anh vừa đến UBND phường xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm hồ sơ giao dịch nhà đất. “Tôi có ý định bán một căn hộ nên cần giấy chứng nhận độc thân. Cán bộ phường xử lý rất nhanh, không phải chờ đợi lâu dù Tết đang cận kề”, anh Đặng Thái Nam chia sẻ.
Phường Võ Thị Sáu vừa mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường (phường 6, 7 và 8). Vào những ngày cuối năm âm lịch, hoạt động tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính tại phường diễn ra bình thường. Ông Nguyễn Đoàn Thái Châu, công chức UBND phường Võ Thị Sáu cho biết, lượng hồ sơ tiếp nhận sau khi thành lập phường mới tăng gần gấp đôi. Hơn nữa, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, người dân luôn mong muốn hồ sơ được giải quyết nhanh. Tuy nhiên, cán bộ, công chức phường không cảm thấy áp lực mà luôn ý thức phải nỗ lực nhiều hơn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Nói về điều này, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu Phạm Đăng Nam cho biết, ngày 4-2, UBND phường mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng để bảo đảm tính liên tục sau khi sáp nhập, phường đã thực hiện tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 18-1. “Chúng tôi phải vận hành bộ máy hành chính sớm để không làm gián đoạn công việc của tổ chức, công dân”, ông Phạm Đăng Nam cho hay.
Còn tại thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND phường An Khánh Hồ Hải Phong cho biết, phường An Khánh được sáp nhập từ phường Bình Khánh và phường Bình An, chính thức thành lập ngày 27-1-2021. “Tuy nhiên, để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không để tồn đọng hồ sơ trước Tết Nguyên đán nên UBND phường đã tiếp nhận hồ sơ từ ngày 25-1. Lượng hồ sơ tiếp nhận nhiều hơn trước nhưng mọi hoạt động của phường hoàn toàn bình thường, không xáo trộn”, ông Hồ Hải Phong cho hay.
Bảo đảm tính liên tục, không làm ảnh hưởng đến người dân
Theo Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân, thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, sau khi sắp xếp, sáp nhập, thành phố giảm 10 phường (từ 322 phường xuống còn 312 phường). Với việc sắp xếp này, có hơn 170.000 người bị ảnh hưởng nhưng người dân tại các phường thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đồng thuận rất cao.
Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ thông tin, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp phường không phải bây giờ thành phố mới thực hiện. Đơn cử, từ năm 1976 đến nay, quận 3 đã trải qua 4 lần tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường vào các năm: 1981, 1982, 1988 và 2021. Năm nay, 3 phường của quận gồm phường 6, 7, 8 được sáp nhập nguyên trạng diện tích và dân số để thành lập phường Võ Thị Sáu nên được người dân ủng hộ và chia sẻ. Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức cho biết, người dân phường Võ Thị Sáu không lo lắng khi 3 phường (6, 7, 8) sáp nhập. “Lãnh đạo quận và phường cam kết giải quyết hồ sơ thông suốt cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian chuyển tiếp. Hiện tiến độ xử lý và trả kết quả hồ sơ hành chính diễn ra khá nhanh và suôn sẻ nên được người dân rất tin tưởng”, ông Võ Văn Đức thông tin.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả tính cộng hưởng từ nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo UBND các quận và các phường thuộc diện sắp xếp chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tính liên tục, không để ảnh hưởng đến công việc của doanh nghiệp, tổ chức, công dân.
“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố đầu năm 2021. Đây là động lực để thành phố thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu và của từng cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, đạt được hai mục tiêu là vừa tinh giản biên chế, vừa nâng cao chất lượng của bộ máy công quyền”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.