(HNMO) - Trưa nay (20-6), thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt; nhiệt độ cao nhất lúc 13h tại Trạm Khí tượng Láng 39 độ C, Sơn Tây 38,4 độ C, Hà Đông 38,2 độ C, Ba Vì 38,1 độ C, Hoài Đức 37,8 độ C...
Đêm nay và sớm mai (21-6), thành phố Hà Nội không mưa; thời tiết vẫn khá nóng bức, nhiệt độ phổ biến 30-32 độ C. Để làm dịu không khí, người dân có thể tưới nước lên mái, tường, sân, đường và cây xanh xung quanh nhà...
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 21-6, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất (có thể quan trắc được trong lều khí tượng) tại các quận trung tâm, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì 39-41 độ C, các nơi còn lại 38-40 độ C. Kết hợp với hiệu ứng đô thị (tỏa nhiệt từ các tòa nhà, mặt đường nhựa, bê tông, hệ thống điều hòa nhiệt độ, khí thải phương tiện giao thông…) và độ ẩm không khí ở mức thấp (40-55%), nhiệt độ thực tế ngoài trời, từ 13 đến 15h ngày mai, tại khu vực trung tâm thành phố có thể đạt 44-45 độ C.
Ngoài nắng nóng, chỉ số tia tử ngoại trong ngày mai tại Hà Nội sẽ đạt giá trị cực đại, mức 8-10, có thể làm bỏng da, khô mắt khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong khoảng 25-30 phút. Thời điểm xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ cao hơn 35 độ C bắt đầu từ 10 đến 20h. Chiều tối và đêm 22-6, Hà Nội xuất hiện mưa dông, nhiệt độ có xu hướng giảm. Đến ngày 23-6, Hà Nội bắt đầu xảy ra mưa dông, chính thức kết thúc đợt nắng nóng diện rộng...
Để tránh sốc nhiệt, người dân lưu ý hạn chế tham gia giao thông, nhất là trong khung giờ từ 12 đến 15h. Khi có việc cần thiết phải ra ngoài trời, người dân lưu ý mặc trang phục chống nắng, đeo khẩu trang và kính chống tia tử ngoại, mang theo nước uống để kịp thời bổ sung cho cơ thể. Khi trở về nhà, người dân tuyệt đối không vào ngay phòng điều hòa có nhiệt độ thấp hoặc tắm nước lạnh... Những người cao tuổi, mắc các bệnh huyết áp, tim mạch... hạn chế di chuyển đột ngột từ phòng có điều hòa nhiệt độ ra ngoài trời và ngược lại, đề phòng sốc nhiệt, dẫn tới đột quỵ.
Nông dân cũng cần điều chỉnh thời gian gieo cấy vụ mùa sau ngày 21 hoặc 23-6; tập trung làm việc ngoài đồng ruộng vào thời điểm trước hoặc sau khung giờ xảy ra nắng nóng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.