Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Sao Tháng Tám” - Thông điệp từ những đôi mắt

Thi Thi| 19/08/2011 06:48

(HNM) - 35 năm đã trôi qua, giờ đây xem lại "Sao Tháng Tám", bộ phim của cố đạo diễn - NSND Trần Đắc khắc họa một giai đoạn quan trọng trong mùa thu tháng Tám lịch sử của đất nước, lòng vẫn thấy nao nao…

Những dòng chữ chạy trên đầu tập phim thay cho phần khái quát bối cảnh tác phẩm: "Năm 1940, phát xít Nhật chiếm đóng các thuộc địa Pháp trên bán đảo Đông Đương, nhân dân Việt Nam bị thêm một tầng áp bức bóc lột nữa. Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít thì ở Việt Nam, Việt Minh đã trở thành lực lượng hùng hậu nắm vững thời cơ tự chủ, tự lực, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Trước bối cảnh lịch sử vĩ đại đó, những người làm phim "Sao Tháng Tám" chỉ mong muốn thể hiện một số khía cạnh của tình hình xã hội có liên quan đến các nhân vật trong phim, hoạt động trong một phạm vi nhỏ ở nội, ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 tới tháng 8-1945".

Không khí của "Sao Tháng Tám" là không khí của cách mạng, từ những người phụ nữ bụng mang dạ chửa, đến những người già đói rách, cùng cực, những đứa trẻ ngây thơ… Tất cả đều làm cách mạng. Phim đen trắng gợi lại một thời kỳ của điện ảnh nước nhà sau giải phóng, khó khăn nhưng đầy nhiệt huyết và không thiếu chất nghệ thuật; những bức ảnh của Võ An Ninh về nạn đói năm 1945 khiến ta bàng hoàng, đau đớn; những ca khúc cách mạng của Nguyễn Đình Thi, Văn Cao thức dậy một thời hào hùng của đất nước… Và đặc biệt là những gương mặt điện ảnh Việt Nam như Dũng Nhi, Thanh Tú, Nông Ích Đạt, Thanh Hiền…

Diễn viên Dũng Nhi là người vào vai Kiên, chiến sĩ Việt Minh trẻ nhưng có người chị gái theo Pháp, sau đó theo Nhật, chuyên lùng bắt cộng sản. Dũng Nhi lúc đó chừng 24 tuổi, nghiệp dư, song vào vai khá sâu sắc. Anh không khỏi xúc động khi chia sẻ với Hànộimới kỷ niệm về "Sao Tháng Tám": Đó là bộ phim đen trắng màn ảnh rộng đầu tiên của Việt Nam, được làm suốt 2 năm từ 1975 đến 1976, quay cầu kỳ. Mọi người đều dồn hết tâm lực cho phim. Ám ảnh nhất với anh là cảnh Kiên bị thương, nhỏm dậy nhìn người chị gái (kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh) với ánh mắt vừa xa xót, đau đớn cho tình chị em vừa căm phẫn bởi người vốn là chị ruột mình nay theo kẻ thù tàn sát đồng bào, bắt bớ đồng chí của mình… Đôi mắt Kiên nhìn chị trước khi ngã vật xuống giường và ra đi là đôi mắt phải dồn nén nhiều thứ cảm xúc, nhiều thông điệp… Diễn viên Dũng Nhi nhớ lại: "Khi đó tôi khóc tự nhiên, nước mắt ướt đầm đìa, anh em trêu là ướt hết đệm giường. Bối cảnh thật, xúc động thật, đâu cần đến kỹ thuật, kỹ xảo gì".

Không chỉ có ánh nhìn của Kiên, những đôi mắt của các nhân vật trong "Sao Tháng Tám" đến nay vẫn là một minh chứng sống động cho vẻ đẹp của nghệ thuật điện ảnh. Đôi mắt Nhu vừa đau đớn tột độ khi nghe tiếng súng Nhật giết chồng, vừa chí khí mạnh mẽ khi giao nhiệm vụ cho đồng đội. Cũng đôi mắt ấy nhưng khi thể hiện cái nhìn của người mẹ lúc từ biệt con trong bệnh viện để trốn ra tiếp tục hoạt động thì lại ngân ngấn, nao nao…; rồi cái nhìn yêu thương của nữ chiến sĩ Mến với Kiên trong lúc anh bị thương nặng… Ý tại ngôn ngoại, hình ảnh nhiều sức gợi như cảnh chị Nhu gặp hai bà cháu đói khổ, vốc gạo rơi dưới gốc đa khô khốc, gió thổi ào ào… Phim Việt đấy, ra đời trong khó khăn, thiếu thốn, vậy mà vẫn nghiêm túc, sáng tạo và giàu sức biểu đạt. Nghĩ đến những phim thoại dài, "câu giờ", được cho ra đời một cách dễ dãi như bây giờ mà thấy… tiếc.

Hiện nay, trên các trang phim trực tuyến vẫn thấy "Sao Tháng Tám", thấy nhiều phản hồi xúc động của các bạn trẻ. Nghĩa là điện ảnh nói chung, "Sao Tháng Tám" nói riêng đã chở được một thông điệp nào đó về lịch sử không tách rời với cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sao Tháng Tám” - Thông điệp từ những đôi mắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.