(HNM) - Không ít những cuộc hội thảo để tìm giải pháp đưa làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch hấp dẫn đã được tổ chức trong thời gian qua. Thế nhưng, những người làm du lịch vẫn
Cung chưa đủ cầu
Cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).
Mới đây, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) và CLB Du lịch Xanh đã tổ chức chương trình khảo sát tại làng cổ Đường Lâm và khả năng khai thác rơm thành sản phẩm du lịch tại đây. Trước lối kiến trúc đường làng đặc trưng hình xương cá, những ngôi nhà cổ, những bức tường đá ong độc đáo, đại diện nhiều hãng lữ hành đều có chung nhận xét: Đường Lâm hiện vẫn giữ được mô hình kiến trúc cổ của một làng quê thuần Việt ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Cùng với đó, nơi đây còn là mảnh đất có những giá trị lịch sử đặc biệt - "mảnh đất hai vua". Thế nhưng, do cách thức quy hoạch, xây dựng, tổ chức quản lý và khai thác chưa hợp lý nên đến nay, du lịch làng cổ Đường Lâm vẫn ở dạng tiềm năng, chưa thu hút đông khách tham quan.
Mùa "cao điểm" ở đây được tính từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn tập trung làm nông nghiệp chưa chú trọng đến kinh doanh du lịch. Hiện trong làng mới chỉ có 4-5 hộ gia đình biết phục vụ du khách nên "cung chưa đủ cầu". Dịch vụ du lịch ở Đường Lâm tuy đã từng bước được khai thác nhưng chưa phát triển xứng với tiềm năng, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút khách tham quan và nâng cao đời sống của người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà hàng, nhà nghỉ, cửa hàng bán đồ lưu niệm..., thậm chí ngay cả khu vệ sinh dành cho du khách đều khó tìm thấy. Đến tham quan Đường Lâm, khách chủ yếu là đi bộ, khi mệt không biết dừng chân nghỉ ngơi ở đâu.
Từng nhiều lần đặt chân đến "mảnh đất hai vua" vì "mê" lối kiến trúc độc đáo và những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, chị Khánh Vân (ở phường Việt Hưng, Long Biên) cho biết, đến Đường Lâm, khách muốn tiêu tiền cũng không có chỗ nào để tiêu. "Khách tham quan đều không ngần ngại chi tiền nhưng Đường Lâm lại không đáp ứng được nhu cầu ấy", chị Khánh Vân nói.
Một điều dễ nhận thấy là người dân địa phương mới chỉ biết mình đang sống trong nhà cổ có giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử quan trọng được nhiều khách du lịch quan tâm nhưng họ lại không biết cải thiện đời sống từ những lợi thế ấy. Họ chưa biết cách làm du lịch, kiếm tiền từ chính ngôi nhà cổ của mình.
Khai thác sản phẩm du lịch từ... rơm?
Để hấp dẫn du khách, theo ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch, cần phải quảng bá nhiều hơn nữa và dần dần tạo dựng thương hiệu cho làng cổ Đường Lâm. Định hướng khuyến khích người dân đầu tư, cải tạo nhà cửa thành các cơ sở lưu trú "home stay" (du lịch cộng đồng) để du khách có cơ hội được tìm hiểu phong tục, tập quán, khám phá cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân là một hướng khả thi. Đặc biệt, để tiềm năng du lịch nơi đây không bị hoang hóa, nhiều đại biểu đã phát biểu tại các cuộc hội thảo là nên có sự tham gia của các chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong việc gây dựng những sản phẩm du lịch có giá trị thu hút khách.
Chia sẻ với người dân làng cổ Đường Lâm thông qua ý tưởng khai thác sản phẩm du lịch từ rơm, TS - KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe cũng cho rằng, các sản phẩm du lịch ở "mảnh đất hai vua" còn nghèo nàn, mới chỉ là một vài loại bánh, trái cây... Trong khi đó, người dân hoàn toàn có thể tận dụng rơm là nguồn nguyên liệu sẵn có để làm ra các sản phẩm lưu niệm đơn giản, vừa giúp du khách lưu giữ những hình ảnh đẹp về mảnh đất họ đã ghé qua, vừa giúp người dân có thêm thu nhập. Những món đồ lưu niệm gần gũi với cuộc sống người dân như gà rơm, búp bê rơm, ủng rơm, mũ rơm, áo rơm, những chiếc váy thời trang từ rơm... ấn tượng, độc đáo và ngộ nghĩnh sẽ mang lại sự thích thú cho du khách và khiến họ có thêm những kỷ niệm đẹp về mảnh đất họ đã đến. Những đụn rơm được đắp với kiểu dáng khác nhau góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho làng quê trong mùa gặt, rồi rơm cũng có thể đưa vào ẩm thực với những nét độc đáo như món tré Bình Định được quấn rơm để lưu giữ lâu hơn, thơm và ngon hơn hay rơm dùng để trồng nấm và chế biến thành những món ăn ngon miệng và bổ dưỡng.
Để giải bài toán bảo tồn và phát triển du lịch bảo đảm cuộc sống của người dân làng cổ Đường Lâm, cần nhiều giải pháp với sự chung tay của các lực lượng. Nhưng hy vọng, ý tưởng khai thác sản phẩm du lịch từ rơm sẽ góp một phần vào việc đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.