Vòng chung kết Sao Mai 2007 khu vực phía Bắc đã trải qua 4 đêm sơ loại. Từ 75 thí sinh tham gia dự thi, ban tổ chức đã chọn được ra 18 thí sinh tham dự đêm chung kết đại diện cho 3 phong cách âm nhạc: Thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ.
Ca sỹ Xuân Hương
Phong cách nhạc nhẹ: “anh cả đỏ”
Năm nay, có đến hơn nửa thí sinh tham gia dự thi vòng loại đăng ký phong cách nhạc nhẹ, chứng tỏ sức hút của thị trường ca nhạc rất lớn đối với các bạn trẻ ôm mộng trở thành các ngôi sao ca nhạc. Chính vì vậy, các thí sinh đã có những sự đầu tư rất kỹ càng cho phần dự thi của mình. Cả 6 thí sinh lọt vào đêm chung kết đều là những giọng hát rất triển vọng.
Phạm Hà Linh sinh năm 1986 đang là sinh viên Học viện quan hệ quốc tế là một giọng hát rất quen thuộc đối với giới sinh viên Hà Nội. Từng đoạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hát sinh viên nên Hà Linh đã quen với ánh đèn sân khấu và có nhiều kinh nghiệm biểu diễn. Vòng loại, Hà Linh hát Dệt tầm gai (Ngọc Đại) cực kỳ rất ấn tượng, tư duy âm nhạc tốt và hát rất “văn minh”. Hà Linh là gương mặt được kỳ vọng nhiều nhất ở vòng loại.
Đào Thanh Dũng từng tham gia vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2003 tại Tuần Châu, tuy nhiên không lọt được vào đêm xếp hạng. Sau cuộc thi đó anh theo học tại ĐH nghệ thuật quân đội. Thất bại ở cuộc thi trước với dòng thính phòng, năm nay Dũng bất ngờ đăng ký dòng nhạc nhẹ với bài Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương). Hơi bị trái “chất” nhưng nhờ kỹ thuật thanh nhạc, ngoại hình sáng nên anh vẫn được ban giám khảo “chấm”.
Xuân Hương – một gương mặt khá quen thuộc với khán giả Quảng Ninh, một giọng hát tiềm năng của vùng Mỏ cũng được ban giám khảo đánh giá cao. Xuân Hương giọng khàn và hát rất có “lửa”. Chọn Cây đàn ghita của Losca (Thanh Tùng), Xuân Hương hóa thân vào vai cô gái Di - gan với bộ váy đỏ và những bước nhảy samba rất ấn tượng. Xuân Hương cũng là “ẩn số” khó đoán cho đêm cung kết tới đây.
Cùng với 3 giọng hát “sáng” nhất kể trên còn có Phương Thủy (Quảng Ninh), Thu Phượng (Hà Nội) và Trịnh Đan Duy Anh (Hà Nội) cũng là những giọng hát khá tốt.
Phong cách thính phòng: So bó đũa chọn cột cờ
Khác với Sao Mai Điểm Hẹn, cuộc thi Sao Mai khá chú trọng đến dòng nhạc thính phòng, chính vì vậy các thí sinh dòng nhạc này vẫn luôn được báo giới quan tâm nhiều hơn cả. Ở khu vực phía Bắc năm nay thí sinh đăng ký dòng này ít hẳn hơn những năm trước và “mặt bằng” chất lượng thì không có gương mặt nào thực sự nổi bật. Chính vì sự “sàn sàn” này mà ban tổ chức đã ưu tiên cho dòng thính phòng 7 thí sinh, thay vì 6 như ban đầu.
Các thí sinh dòng nhạc thính phòng vẫn vấp phải nhược điểm “muôn thuở” là chọn bài quá “nặng đô”. Nhìn vào danh sách bài hát đêm chung kết thì thấy tình trạng ấy vẫn không hề thay đổi. Một số giọng hát được đánh giá là “sạch sẽ” hơn cả là Nguyễn Phúc Tiệp (Hà Nội), Hoàng Quốc Tuấn (Hà Tây), Bùi Tiến Thành (Hải Phòng), Vũ Trung Hiếu (Quảng Ninh). Hy vọng họ sẽ có những bứt phá trong đêm chung kết tới đây.
Phong cách dân gian:”hiền” và “ngọt”
Không thấy những “Tùng Dương”, “Ngọc Khuê” như năm trước, các thí sinh dòng dân gian năm nay đa phần là những giọng hát “thuần chất” dân gian hơn. Nhìn những ca khúc họ chọn cũng thấy điều đó. Mai Anh (Điện Biên) trong sáng, lảnh lót với một ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc – Khi mặt trời lên (Vương Khon), Thu Hà (Hà Nội) ngọt ngào với Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Bùi Thu Huyền (Hà Nội) say đắm với Neo đậu bến quê (An Thuyên), Trịnh Thị Vân (Hà Nội) dịu dàng với Vỗ bến Lam chiều (Trần Hoàn)... Những thí sinh này tiếp tục khẳng định phong cách của mình khi chọn hàng loạt những ca khúc đậm chất dân gian cho đêm chung kết như Đợi (Huy Thục), Đôi mắt đò ngang (Nguyễn Trọng Tạo), Xa khơi (Nguyến Tài Tuệ)…
Ở dòng nhạc dân gian nổi bật lên có Thu Hà (Hà Nội). Thu Hà từng tốt nghiệp Trung cấp thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội và hiện đang cùng lúc học hai trường: Đại học sư phạm 1 và Đại học thanh nhạc – Nhạc Viện Hà Nội. Giọng Thu Hà “hiền” và rất ngọt, “e” dân ca lộ rõ trong giọng hát nên cô khá dễ dàng chinh phục những ca khúc đậm chất dân ca, đăch biệt là Bắc và Trung Bộ. Bùi Thu Huyền cũng của đơn vị Hà Nội, tuy hơi già (sinh năm 1981) nhưng chính vì điều đó lại khiến cô có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn để thể hiện các bài hát một cách tràn trề cảm xúc mà vẫn đảm bảo kỹ thuật thanh nhạc.
Đôi điều tiếc nuối
Trong cuộc thi nào cũng có những điều tiếc nuối, nhất là cuộc thi Sao Mai khu vực phía Bắc lần này khi mà tỷ lệ “1 chọi 4”, thì sẽ có ¾ số thí sinh tham gia dự thi bị loại.
Trong số các thí sinh không được đi tiếp vào vòng sau, đáng tiếc nhất phải kể đến Vân Khanh của Hải Phòng. Đây là một thí sinh được cả thanh, sắc và kỹ năng biểu diễn. Vân Khanh có giọng hát dày, khỏe và khá “sắc”. Cô hát trực tiếp mà nghe như bản thu âm đã được “mix”, hát rất cảm xúc và biết cách thể hiện sắc thái khá thành công. Vòng loại cô hát Cỏ và mưa (Giáng Son) được đánh giá rất cao mà cuối cùng thì vẫn… rớt. Đây là trường hợp đáng tiếc nhất của vòng loại phía Bắc năm nay.
Ngoài ra còn có Hải Lý (Thái Bình), Huy Anh (Quảng Ninh), Hồng Vân (Bắc Ninh), Thái Sơn (Hà Nội)… cũng là nhưng giọng hát khá hay và trình diễn ấn tượng, hy vọng họ sẽ thành công hơn ở các cuộc thi sau vì đa số các thí sinh này còn rất trẻ tuổi.
Đêm chung kết khu vực phía Bắc sẽ được VTV3 truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày
Danh sách thí sinh tham gia đêm chung kết phía Bắc Dòng nhạc nhẹ: Phạm Hà Linh, Đào Thanh Dũng, Thu Phượng, Duy Anh (Hà Nội), Xuân Hương, Phương Thủy (Quảng Ninh). Dòng nhạc thính phòng: Nguyễn Phúc Tiệp, Nguyễn Hiền Anh (Hà Nội), Đặng Minh Hải, Quốc Tuấn (Hà Tây), Vũ Trung Hiếu (Quảng Ninh), Trần Tân Phương (Hà Nam), Bùi Tiế Thành (Hải Phòng). Dòng nhạc dân gian: Bùi Thu Huyền, Trịnh Thị Vân, Thu Hà (Hà Nội), Mai Anh (Điện Biên), Đặng Thị Hạnh (Bắc Giang).
Bài, ảnh: Ngô Bá Lục
VnMdia
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.