Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sao lại thế?

Nữ Quỳnh| 17/09/2011 06:16

(HNM) - Sau hơn nửa tháng giảm giá 500 đồng mỗi lít xăng, một số doanh nghiệp lại than lỗ và đề xuất tăng giá bán lẻ. Danh sách đề nghị tăng giá lần này có Tổng Công ty Dầu (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp (không có tên Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), đơn vị đang chiếm trên 60% thị phần).

Tuy đề nghị này không được Bộ Tài chính chấp thuận, nhưng dư luận xung quanh thì rất nóng. Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao có thể thế được, trong khi giá dầu trên thế giới hiện đang giảm mạnh mà doanh nghiệp trong nước lại đòi tăng giá, nhất là chỉ sau động thái giảm 500 đồng/lít hiếm hoi vừa mới được hơn nửa tháng. Vì sao doanh nghiệp cứ liên tục diễn bài ca "kinh doanh lỗ". Nếu cứ kinh doanh là kêu lỗ vậy phải xem xét lại tại sao lỗ, nguyên nhân do khách quan hay chủ quan?

Từ câu chuyện của giá xăng có thể liên hệ đến một hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty lớn rơi vào thua lỗ, nếu không có giải pháp vực dậy sẽ dẫn đến nguy cơ mất vốn, rơi vào khủng hoảng nợ. Đáng nói chính là dù thua lỗ, không có khả năng thu xếp vốn để đầu tư các công trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ vốn đầu tư ra ngoài ngành (thống kê trong số 21 trên tổng số 31 doanh nghiệp, ngân hàng có đầu tư ra ngoài ngành cho thấy, các đơn vị đã dành tới 22.590 tỷ đồng để đầu tư ra ngoài ngành nghề chính) dẫn đến việc đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp. Trong một loạt số báo gần đây, Báo Hànộimới cũng đã đề cập đến việc thua lỗ và đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực (EVN). Và để "cứu" sự thất bại ở lĩnh vực viễn thông, EVN chuyển khoản lỗ sang phần kinh doanh điện. Từ đó làm sai lệch giá trị thực của giá điện, gây những hệ lụy khác với kinh tế vĩ mô.

Trở lại với chuyện của giá xăng dầu. Nguyên nhân lỗ (nếu có) chắc chắn không chỉ là do giá đầu vào, bởi thực tế thời gian qua giá dầu thế giới vẫn duy trì xu hướng giảm. Chỉ có thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chủ yếu cho các doanh nghiệp Việt Nam, phiên giao dịch ngày 14-9, giá xăng A92 thành phẩm lên mức 121,79 USD một thùng, tăng hơn 4 USD so với cùng thời điểm tháng 8. Nhưng nếu lập luận theo cách mà các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu vẫn giải thích trước đây thì sản phẩm bán ra hiện nay đã nhập từ trước, vậy tại sao đã phải vội tăng giá?

Rõ ràng cần xét đến những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tăng giá, phải chăng do các chi phí khác quá cao đội giá lên. Hơn nữa, đã kinh doanh buôn bán thì phải lúc lỗ lúc lãi, và quản lý lỗ lãi đó ra sao là trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tự cân đối bù lỗ nếu kinh doanh kém, sao có chuyện người dân chịu hết các khoản đó được. Có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần có cách nhìn nghiêm túc đối với vấn đề này. Với một doanh nghiệp nhất là xăng dầu hay điện, than... cần xem xét lại chi phí quản lý đã hiệu quả chưa, tránh để tình trạng nhà nước cứ phải chạy theo sự đỏng đảnh của doanh nghiệp, nay đề nghị tăng giá xăng, mai đòi tăng giá điện, không theo một quy trình nào, tác động xấu đối với kinh tế xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sao lại thế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.