Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sao cho “đi đến nơi, về đến chốn”!

ANHTHU| 21/08/2006 08:15

Vài năm gần đây, việc lao động (LĐ) Việt Nam ra nước ngoài làm việc ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không ít những sự cố về người LĐ bị “đem con bỏ chợ”, đã và đang gây mối quan ngại cho nhà quản lý.

Vài năm gần đây, cùng với xu thế mở cửa và hội nhập, việc lao động (LĐ) Việt Nam ra nước ngoài làm việc ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí đã trở thành một “trào lưu” tại những vùng nông thôn, ngoại thành nhằm kiếm thêm thu nhập hợp pháp cho gia đình. Đây là một chính sách lâu dài được Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện.

Tuy nhiên, không ít những sự cố về người LĐ bị “đem con bỏ chợ”, đã và đang gây mối quan ngại cho nhà quản lý. Hạn chế tối đa những nguy cơ này là mục tiêu được Hội nghị đại biểu QH chuyên trách đặt lên hàng đầu trong phiên thảo luận Dự án Luật Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài diễn ra ngày 15-8 vừa qua.

Doanh nghiệp đưa người đi không hiệu quả: Thu hồi giấy phép

Thời gian trước, khi hoạt động đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc còn đang “thịnh” và chưa bị pháp luật “sờ gáy”, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này cũng đua nhau “mọc” như nấm sau mưa. Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân ở khu vực nông thôn, ngoại thành, nhiều kẻ đã thành lập các DN đưa người đi nước ngoài. Tại đây, với cơ sở vật chất không có gì ngoài vài nhân viên và mấy bộ bàn ghế bởi mục tiêu của chúng chỉ là thu khoản tiền môi giới thật lớn từ những NLĐ thật thà; sau đó sẽ “bán cái” những NLĐ này lại cho các DN lớn hơn ở các tỉnh, thành lớn. Giai đoạn tiếp theo, NLĐ có sang được nước ngoài làm việc hay không, làm việc như thế nào, gặp khó khăn cần tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ hay tình huống xấu hơn là gặp sự cố phải về nước… thì các DN này cũng phủi tay, chối trách nhiệm.

Chứng minh cho nhận định này, UBTVQH công bố kết luận từ một số cuộc giám sát. Theo đó, các DN hằng năm chỉ đưa được dưới 200 LĐ phổ thông đi làm việc ở nước ngoài thường ít chú trọng đầu tư hoặc không đủ khả năng về vốn và năng lực thực hiện hoạt động này. Do đó dẫn tới kém hiệu quả, cạnh tranh không lành mạnh và chiếm tỷ trọng lớn về hành vi tiêu cực, lừa đảo. Giải pháp khắc phục đã được đặt ra: “DN sẽ bị thu hồi giấy phép nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thành lập mà không đưa được 300 LĐ đi làm việc ở nước ngoài”. Thời gian 24 tháng (chứ không phải 18 tháng như dự thảo lần trước) là đã được gia hạn thêm trên cơ sở tính toán đến điều kiện khó khăn của DN mới thành lập, công việc còn chưa vào nền nếp hoặc quá trình thực hiện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trường hợp NLĐ đưa đi là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao (đào tạo nghề từ trình độ cao đẳng trở lên) thì số lượng LĐ đưa đi sẽ được tính là 100 người trong 24 tháng.

LĐ tự ký hợp đồng đi nước ngoài phải đăng ký ở trong nước

Điểm mới trong dự luật lần này là đã mở rộng hình thức hợp đồng tự do cho cá nhân. Đây là hình thức NLĐ tự tìm việc làm và ký kết hợp đồng LĐ trực tiếp với người sử dụng LĐ nước ngoài mà không phải thông qua DN hoặc tổ chức nào, được đánh giá là rất phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của công dân. Cũng có một số ý kiến lo ngại về yêu cầu bổ sung: “Hợp đồng cá nhân chỉ có hiệu lực khi đã đăng ký và được cơ quan LĐ, TB-XH tỉnh chấp thuận” sẽ làm hạn chế “cánh cửa” đã được mở rộng với LĐ tự do. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng yêu cầu này là hợp lý với minh chứng điển hình là sự cố của NLĐ Việt Nam ở Li-băng. Không ai biết có bao nhiêu LĐ Việt Nam ở nước này, họ đã đi lúc nào, làm việc trong bao lâu…, chỉ đến khi xảy ra chiến sự, NLĐ ở đây mới liên hệ với sứ quán nhờ giúp đỡ để về nước. Và đương nhiên, đến lúc này thì chẳng thấy một DN nào “ra mặt” giải quyết vụ việc mà đổ hết cho Nhà nước. “Quy định như vậy để thống nhất quản lý đối với NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và để có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ khi ở nước ngoài”, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu khẳng định.

Lập Quỹ hỗ trợ LĐ Việt Nam ở nước ngoài

Theo dự luật, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhân lực, tới đây Nhà nước sẽ thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước. Quỹ được hình thành từ nguồn đóng góp của DN, NLĐ, ngân sách nhà nước và nguồn thu khác. Quỹ do Bộ LĐ, TB-XH quản lý. Tuy nhiên theo một số đại biểu, có lẽ phải bổ sung thêm nhiệm vụ cho Quỹ là “hỗ trợ giúp đỡ lao động Việt Nam ở nước ngoài khi có sự cố rủi ro”. Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Ngô Anh Dũng cho biết, đại sứ Việt Nam ở những nước có nhiều người Việt tới sinh sống, làm ăn thường phàn nàn là mỗi khi có sự cố, ví dụ LĐ của ta vi phạm pháp luật bị trục xuất, nhân viên sứ quán lại phải loay hoay tìm nguồn tiền đưa họ về nước.

Chia sẻ ý kiến này, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng, ngân sách nhà nước cần tính thêm một khoản cho cơ quan đại diện ngoại giao trong nhiệm vụ bảo hộ lãnh sự cho công dân. Liên hệ ngay từ chiến sự ở Li-băng, ông Thuận nhận xét: “May mà có tiền viện trợ nước ngoài chứ không thì chắc gì đã đón được bà con người Việt ở vùng chiến sự về nước”.

Hương Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sao cho “đi đến nơi, về đến chốn”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.