Văn hóa

Sáng tạo với tranh - đèn giấy 3D

Bài và ảnh: Giang Nam 12/08/2023 - 06:49

Từ sự kết hợp giữa đèn kéo quân của Việt Nam với nghệ thuật cắt giấy của Nhật Bản, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Duy đã sáng tạo ra một loại hình trang trí mới: Đèn giấy 3D. Trên nền ánh sáng màu vàng, xanh hay tím tùy theo chủ đề, Nguyễn Duy Duy đã tạo hình phong cảnh, nhân vật với nhiều lớp sáng tối khác nhau, tạo ra bức tranh có chiều sâu. Những bức tranh về làng quê, về phố cổ hay về văn hóa Phật giáo tỏ ra đặc biệt phù hợp với loại hình này, qua đó lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt.

den-giay.jpg
Nguyễn Duy Duy đang hoàn thiện tác phẩm của mình.

Nguyễn Duy Duy vừa cho ra mắt bức tranh giấy 3D khổ lớn với chủ đề “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”. “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” vốn là một bức tranh cổ, kể về câu chuyện Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi sau một thời gian tu hành. Đón Phật hoàng khi ấy có vua Trần Anh Tông và bá quan văn võ. Đây là một bức tranh quý, cung cấp tư liệu quý giá về văn hóa, phong tục, trang phục của nước ta thời xưa. Nền ánh sáng vàng hơi trầm được sử dụng làm nổi bật nhân vật, hiện vật và phong cảnh, tạo cảm giác hoài cổ, rất phù hợp với việc tái tạo một không khí cổ xưa. Bức tranh có hàng trăm nhân vật với trang phục, biểu cảm phong phú. Nguyễn Duy Duy cùng cộng sự đã tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu, kế đó là cắt, trổ giấy để tạo hình nhân vật vừa chi tiết vừa sống động.

Xuất phát điểm của Nguyễn Duy Duy là làm đèn giấy 3D, nội dung chủ yếu là về phong cảnh làng quê, phố cổ... Nhưng tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” không thể coi là đèn giấy nữa. Đó chính xác là một tác phẩm tranh cắt giấy 3D mà ánh đèn trở thành nhân tố tôn vinh nét đẹp, sự tài hoa, khéo léo, tỉ mỉ của nghệ thuật tranh cắt giấy.

Nguyễn Duy Duy còn trẻ, sinh năm 1996, ở một làng quê của huyện Thạch Thất (Hà Nội). Lớn lên, Duy học tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Trong quá trình học, một cách tình cờ, Duy biết đến nghệ thuật cắt giấy kirigami của Nhật Bản. Đó là môn nghệ thuật hết sức thú vị. Từ sợi giấy với những con dao, cây kéo, người ta có thể tạo hình... cả thế giới.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với môn nghệ thuật này, cộng với kiến thức về mỹ thuật, Duy đã nghĩ đến những sản phẩm khác, sáng tạo hơn. Sinh ra ở làng quê, Duy nhớ lại hồi bé, mỗi dịp Tết Trung thu, bất cứ đứa trẻ nào cũng mê đắm chiếc đèn kéo quân. Chiếc đèn của ông cha ta cũng sử dụng phương pháp cắt giấy để tạo hình nhân vật “chạy” quanh đèn. Nhưng việc tạo hình khi ấy còn đơn giản. Duy nghĩ đến việc kết hợp nghệ thuật cắt giấy của Nhật với chiếc đèn kéo quân, rồi nghệ thuật rối bóng của một số nước.

Kết quả của những thử nghiệm ấy là chiếc đèn cắt giấy 3D ra đời. Chiếc đèn được đặt ở lớp trong cùng. Những lớp tạo hình khung cảnh, nhân vật lần lượt được đặt ở phía ngoài, tùy theo dụng ý của tác giả, tùy theo độ sâu của tác phẩm. Khi đèn bật lên, khung cảnh, nhân vật sẽ hiện lên trên nền sáng của đèn. Mức độ sáng tối của từng khuôn hình được điều chỉnh một cách phù hợp.

Từ việc hình dung ra cách làm cho đến thực tế tạo ra sản phẩm là một khoảng cách rất dài. Mỗi mảnh giấy bé, chỉ vài centimet vuông, được cắt, trổ rồi ghép thành các hình khác nhau. Sau cắt dán, công đoạn tiếp theo là lắp ráp bên trong hộp đèn, kèm theo công tắc. Duy suýt ồ lên vì ngạc nhiên khi thấy ánh sáng làm nổi bật các nhân vật khác nhau, những lớp lang khác nhau. Có những khung cảnh huyền bí như một câu chuyện cổ tích, nhân vật rạng rỡ trong không gian sắc màu.

Duy chia sẻ: “Mỗi tác phẩm đèn giấy nghệ thuật hoàn thành, ít nhất phải trải qua 5 công đoạn: Tìm ý tưởng thiết kế, tách lớp - chia bản phác thảo thành nhiều lớp xa - gần, sáng - tối khác nhau, cắt khắc bản vẽ, lắp ghép và gia cố khung sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là phối màu, kiểm tra độ xuyên sáng của tác phẩm bằng đèn led. Thời gian đầu, tôi phải mất khoảng một tháng từ thiết kế đến hoàn thiện thì mới tạo ra được một sản phẩm. Có những hôm, tôi ngồi gần như liên tục cả chục tiếng đồng hồ để làm các tác phẩm”.

Chính những lớp lang nhân vật xuất hiện trong chiếc đèn khiến Duy đặt tên sản phẩm là đèn giấy 3D. Dù vất vả nhưng niềm đam mê đã được đền đáp xứng đáng. Ngay ở những chiếc đèn giấy 3D đầu tiên, Duy đã được cộng đồng ủng hộ, ngợi khen và nhiều người đặt mua.

Những bức tranh - đèn đầu tiên mà Duy tạo ra chủ yếu liên quan tới các nhân vật hoạt hình. Nhưng không lâu sau đó, anh đã nghĩ đến việc đưa những câu chuyện văn hóa vào tác phẩm của mình. “Với tôi, ký ức cuộc sống chính là nguyên liệu để làm ra các tác phẩm” - Duy chia sẻ. Sinh ra, lớn lên ở làng quê nên một trong những bộ sản phẩm mà Duy ưng ý nhất là "Ký ức tuổi thơ", gồm 10 sản phẩm. Đó là những bức tranh về lũ trẻ đi úp cá, chạy thả diều, hay khung cảnh ngôi nhà ngói êm đềm của vùng đất xứ Đoài... Về phố cổ Hà Nội, mảng đề tài Duy yêu thích là cuộc sống bình dị, là những người bán hàng rong, phố đường tàu...

Những ai từng ngắm bộ đèn giấy 3D về phố cổ Hà Nội của Duy không thể không ngạc nhiên. Như chiếc đèn giấy "Mùa thu Hà Nội" khắc họa hình ảnh những người bán hàng rong trên phố. Một chiếc cổng vòm, bên dưới có hình ảnh người gánh hàng rong. Một nhân vật khác, người bán hoa đang dắt chiếc xe đạp chở hoa trên phố. Bên chiếc cổng vòm ấy, một cây bàng nghiêng mình, phô ra những cành gầy guộc. Phía xa xa là hình ảnh người đi bộ, người đi xe đạp... Những hàng dây điện chắn ngang đường, những ban công thò thụt...

Tác giả không cố “chọn” ra một góc nhìn hoàn hảo về Hà Nội nhưng tác phẩm lại thu hút công chúng bởi sự chân thật, dung dị và thân quen. Và nghệ thuật đèn giấy lại tạo ra sự phối hợp ăn ý với chủ đề đến lạ lùng. Khung cảnh, rồi nhân vật đều được cắt ra từ giấy. Ánh đèn vàng sậm từ phía sau làm bóng nhân vật nổi lên. Cũng chính ánh đèn ấy làm người ta liên tưởng về một Hà Nội lúc rạng đông hay trong nắng vàng lúc xế chiều. Một Hà Nội trầm tư, đầy cảm xúc. Đến giờ, Duy đã có bộ sưu tập hàng chục bộ đèn giấy 3D về Hà Nội như thế.

Không ai không ngạc nhiên về độ sâu của tác phẩm mà anh tạo ra. Thông thường, những chiếc đèn giấy được gọi là sản phẩm thủ công, được làm ra nhờ bàn tay khéo léo của con người, và được sản xuất hàng loạt. Còn với Duy, đó là tác phẩm. Bởi anh hạn chế sản xuất hàng loạt. Thậm chí, nhiều tác phẩm ưa thích, anh chỉ làm độc bản. Sản phẩm của anh được thị trường chấp nhận bởi sự độc đáo và chiều sâu văn hóa trong đó. Với Duy, mỗi tác phẩm là một câu chuyện. Đó không phải chiếc đèn bình thường; nếu khách hàng không cảm nhận được câu chuyện trong tác phẩm thì với anh, đó được coi như thất bại.

Câu chuyện của Duy tạo “chất xúc tác” cho nhiều người khác cùng học hỏi, phát triển nghệ thuật đèn giấy ngày một phổ biến hơn. Nhưng Duy vẫn giữ được thế mạnh của người tiên phong. Giờ đây, anh cùng cộng sự ở Fox Design còn làm ra nhiều bộ sản phẩm về chủ đề Phật giáo, về đất nước, con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam... để góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh, văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo với tranh - đèn giấy 3D

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.