Quy hoạch

Sáng tạo trên nền cảm thức sông

Hoàng Lan 13/02/2024 - 06:39

Những dòng sông trong lòng thành phố là một không gian đặc biệt, nơi tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội và là nguồn cảm hứng cho thi ca, nghệ thuật.

Từ ngàn năm qua, sông Hồng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội và khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, sông Mẹ lại tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các không gian văn hóa sáng tạo ở bên sông.

380638140_620285550270050_3.jpg
Một hoạt động văn hóa nghệ thuật trong Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2023 mang tên “Dòng chảy”.

Dòng sông của cảm hứng nghệ thuật

Sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài của nó nhưng cũng đủ mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp riêng. Cảnh sắc tươi đẹp của xóm làng, không gian cư trú, canh tác xanh mướt ven sông cùng màu nước khi phớt hồng như hoa đào lúc lại vàng màu hoàng hôn... đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca, nhạc, họa...

Danh sĩ Nguyễn Siêu từ hai thế kỷ trước vì cảm xúc trước vẻ đẹp của sông Hồng mà hạ bút: "Khách tình lác đác bên bờ bắc/ Mảnh trăng lơ lửng phía đông sông”. "Thánh thơ" Cao Bá Quát cũng từng ngợi ca vẻ đẹp của sông Hồng êm đềm chảy qua Hà Nội: "Bức thành xây trên bụng rồng ngất trời hùng tráng/ Dòng sông cuộn theo nước đỏ, thành làn sóng hoa đào....". Tiếp nối lịch sử, cho đến hôm nay cảm thức sông vẫn mang đến động lực cho các hoạt động sáng tạo.

Nằm ven sông Hồng, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Hằng năm, khi tham dự lễ hội tôn vinh giá trị nhân văn cao đẹp của truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, ai cũng có cảm nhận chung sông Hồng là điểm tựa để tập hợp sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa riêng có của địa phương, khơi nguồn tiềm năng du lịch...

Cách đây vài tháng, chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được các chuyên gia đánh giá là “sản phẩm thiết kế sáng tạo mang tới cho nhân dân và du khách một cảm xúc mới, đánh thức hệ giá trị di sản dọc bên bờ sông Hồng, trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc”.

Đáng chú ý là Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” diễn ra từ ngày 17 đến 26-11. Lễ hội được đánh giá là thành công bởi ngoài phô diễn sức sáng tạo, góp phần phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa thì nhà tổ chức còn hướng tới sự phát triển của các không gian văn hóa sáng tạo dọc hai bên bờ sông Hồng khi thiết kế chương trình. Bên cạnh tuyến sự kiện chính với những điểm nhấn tại bốt Hàng Đậu, cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Bảo tàng Hà Nội, hoạt động trong khuôn khổ lễ hội còn được thực hiện trên diện rộng tại các quận, huyện dọc hai bên bờ sông Hồng, như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh, Phú Xuyên…

Không nghi ngờ gì nữa, cảm thức sông Hồng là động lực quan trọng thôi thúc nghệ sĩ sáng tạo, thông qua các dự án nghệ thuật để làm đẹp cho thành phố, cho những vùng đất ven sông. Dải đất "hiu quạnh" dài khoảng 500m ở ngay cạnh bờ sông Hồng - đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương thuộc phường Phúc Tân - từng là nỗi ám ảnh của người dân sống tại khu vực này. Thế rồi một dự án nghệ thuật công cộng được thực hiện tại khu vực bờ vở Phúc Tân, mảnh đất dường như bị bỏ quên này đã có một đời sống mới. Nghệ thuật đã khiến khu bờ vở ngập rác thải trở thành nơi lui tới thường xuyên của người dân sở tại, và họ đã dần trở thành chủ thể chăm lo, tiếp nối việc gìn giữ vẻ đẹp của không gian sáng tạo này.

Cũng là ven sông Hồng, hai bãi đất hoang chứa đầy rác và nước thải, gây ô nhiễm môi trường nặng nề thuộc phường Chương Dương và phường Phúc Tân đã được doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds cùng chính quyền địa phương phối hợp cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng, gồm khu vui chơi của trẻ em và công viên rừng để phục vụ người dân...

Những dự án nói trên như những viên gạch đầu tiên, tạo tiền đề để quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện việc làm đẹp cho 3,8km bờ vở sông Hồng ở hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Khi đó, các không gian xanh sẽ được kết nối với con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, làm đẹp cho khu vực bờ bãi sông Hồng, góp phần tạo nên diện mạo khang trang cho Hà Nội.

Hình thành trục không gian đặc trưng

Bên cạnh tiềm năng sẵn có dọc theo bờ sông, sông Hồng còn sở hữu một bãi giữa mênh mông có tiềm năng trở thành một không gian sáng tạo giữa lòng Hà Nội.

Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trước kia, diện tích bãi giữa thay đổi theo mùa nước. Những năm gần đây, khu vực ven sông Hồng không xảy ra lũ lớn, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi.

Nhận định bãi giữa là một quỹ đất đáng quý mà thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, TS.KTS Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, đây là tài nguyên gắn liền mặt nước duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho người dân Hà Nội.

Từ những tiền đề ấy, ngày 25-3-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045-QĐ/UBND phê duyệt Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng. Theo Quy hoạch, sông Hồng trở thành trục không gian đặc trưng của đô thị với điểm nổi bật là cây xanh mặt nước, tài nguyên văn hóa - lịch sử, nơi quy tụ các công trình công cộng, các công viên cây xanh, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đương đại, dịch vụ du lịch, giải trí. Chủ trương này đã và đang dần được hiện thực hóa, tạo ra chuyển động tích cực, phù hợp với khát vọng đổi mới sáng tạo vốn đang lan tỏa từ nội đô tới ngoại thành với những ý tưởng, kế hoạch, dự án thiết thực nhằm “đánh thức” tiềm năng sông Hồng.

Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng cũng tạo nguồn cảm hứng cho những sáng kiến, giải pháp có tính tiên phong như phương án “Quận đường tàu 4.0” chuyển đổi công năng khai thác Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ thành nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ về công nghệ, đầu tư và du lịch; phương án “Quận nghệ thuật sông Hồng” với mục tiêu biến khu vực bãi bồi ven sông thành một không gian xanh phù hợp với hoạt động nghệ thuật và đổi mới sáng tạo…

Cuối năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu các bước thực hiện Đề án Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng. Đề án này mở ra khả năng Hà Nội sẽ có thêm một khoảng xanh, một không gian có đủ điều kiện tạo ra sự kết nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với UBND các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) chuẩn bị tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch "Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” (dự kiến tổ chức thi tuyển vào đầu năm nay). Mục tiêu đặt ra là tìm kiếm ý tưởng sáng tạo độc đáo, chất lượng cao, rõ tính khả thi từ các chuyên gia trong nước và quốc tế...

Hơn 4 năm tham gia Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng vào việc phát triển các không gian sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Trong bối cảnh đó, các dự án, đề án, cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo ven sông Hồng nhằm huy động các sáng kiến, giải pháp xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo, qua đó đánh thức tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, là phù hợp với mục tiêu xây dựng mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn trên phạm vi toàn thành phố.

Tìm giải pháp xây dựng và phát huy tiềm năng của những không gian ven bờ sông Hồng không chỉ giúp cư dân Thủ đô tiếp nối khát vọng từ ngàn xưa, sống hòa hợp và cộng sinh cùng dòng sông, mà còn thúc đẩy quá trình hiện thực hóa giấc mơ về “thành phố hai bên bờ sông Hồng”, mở ra trục không gian, hành lang xanh quan trọng của Hà Nội. Từ cảm thức sông, các không gian sáng tạo sẽ dần rõ hình hài, tạo điểm nhấn cho bản sắc Thủ đô, góp thêm một biểu tượng mới cho Hà Nội - Thành phố sáng tạo bên sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo trên nền cảm thức sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.