Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo, trách nhiệm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước

Nguyệt Ánh| 15/12/2022 19:06

(HNMO) - Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 là đại hội của “Khát vọng - Tiên phong - Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo”. Với vinh dự và trách nhiệm của tuổi trẻ, các đại biểu dự đại hội đã có các tham luận nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương: 
Tạo sức "đề kháng" tự thân dành cho thanh niên

Xây dựng bản lĩnh thanh niên thông qua các giải pháp nâng cao nhận thức và rèn luyện bằng phong trào, hành động đã tạo nên sức "đề kháng" tự thân dành cho thanh niên trước ảnh hưởng của những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, để thanh niên nhạy bén hơn với những vấn đề chính trị - xã hội, và lúc đó, chính thanh niên sẽ rất tích cực đấu tranh phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, nhất là đấu tranh trên không gian mạng.

Từ những giải pháp đó, kết quả mà tổ chức Đoàn có được chính là sự trưởng thành của đoàn viên, thanh niên, trở thành những đoàn viên ưu tú và xứng đáng được giới thiệu kết nạp Đảng, đó chính là góp phần tham gia xây dựng Đảng. Kết quả thực hiện cho thấy, số lượng đoàn viên ưu tú do tổ chức Đoàn giới thiệu kết nạp Đảng tăng qua từng năm. Trong giai đoạn 2017-2022, đã có hơn 111.000 đoàn viên được giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, có gần 30.000 đoàn viên đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Bên cạnh kiên trì thực hiện phương châm “Xây là cơ bản”, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định đi cùng với “Xây” là “Chống”, mà “Chống” phải quyết liệt, hiệu quả, an toàn tuyệt đối. Để chống “từ xa” những diễn biến, tác động đến thanh niên, thì phải tổng hợp được tình hình, nhu cầu của thanh niên và thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá thanh niên, giống như dân gian từng nói: “Phòng ngừa hơn chữa bệnh”. Vì vậy, trong thời gian qua, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm duy trì tổ chức các diễn đàn “Nghe thanh niên nói - Nói thanh niên nghe”, “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng” thường xuyên, kịp thời, gắn với từng sự kiện, từng thời điểm và yêu cầu của công tác giáo dục; để phát huy hiệu quả việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và định hướng thanh niên, chủ động phân tích, dự báo, phòng ngừa các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch…

Trưởng phòng Nền tảng số, Trung tâm Chuyển đổi số (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) Lưu Đức Phong: 
Thanh niên xung kích, đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia

Thanh niên Việt Nam là lực lượng quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của quốc gia. Chuyển đổi số cũng là một cuộc cách mạng, mà không có cuộc cách mạng nào diễn ra nếu chúng ta không hành động. Sứ mệnh đang đặt lên vai những người trẻ, hơn lúc nào hết, tôi tin tưởng rằng, mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ phát huy được sự năng động, nhiệt huyết của mình thực hiện sứ mệnh vì Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Để làm tốt, theo tôi, cần phổ cập, làm thay đổi và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên. Lãnh đạo các cấp của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo, định hướng, đưa ra các yêu cầu, nhiệm vụ và tạo điều kiện về mặt cơ chế, nguồn lực phù hợp, trang bị cơ sở vật chất và tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên được tìm hiểu, thực hành chuyển đổi số; đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về tư duy số, văn hóa số, nhấn mạnh về vai trò, sứ mệnh của tuổi trẻ trong hành trình chuyển đổi số; khơi dậy động lực để tuổi trẻ xung kích, sáng tạo, đi đầu trong việc giải quyết các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó của đơn vị, tổ chức, xã hội bằng công nghệ số.

Bên cạnh đó, cần thực hành chuyển đổi số thường xuyên và thực chất từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Về lực lượng, cần lấy đội ngũ cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên được đào tạo chính quy, có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ làm hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo và lan tỏa chuyển đổi số tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương.

Về tổ chức triển khai, đề nghị Trung ương Đoàn làm đầu mối chủ trì, chỉ đạo và định hướng thực hiện chuyển đổi số trên toàn quốc thông qua việc xây dựng đề án có lộ trình, có đơn vị làm điểm theo cụm đoàn, sau khi đạt hiệu quả sẽ thực hiện nhân rộng và lan tỏa.

Về cách thức thực hiện, từng tổ chức Đoàn chủ động xây dựng chương trình hành động chuyển đổi số, xung kích nhận việc mới, việc khó phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, đặt hiệu quả lên hàng đầu, tránh sa đà vào hình thức, chạy đua thành tích.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lâm Đồng Trần Đức Trung: 
Phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong thanh niên

Với sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện các cấp ủy Đảng, Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ để đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế; trong đó, trọng tâm là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao trong thanh niên.

Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của thanh niên Lâm Đồng, kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã xuất hiện nhiều gương thanh niên “nông dân thế hệ mới” dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, bỏ vốn đầu tư, tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, Tỉnh đoàn Lâm Đồng cũng đang đồng hành với hơn 20 dự án, doanh nghiệp trẻ triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã chủ động triển khai hiệu quả phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo" gắn với tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức hơn 240 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; triển khai 475 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; tuyên dương 394 công trình, đề tài, phần việc thanh niên trên các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, ứng dụng các thành tựu tiên tiến… với giá trị làm lợi gần 32 tỷ đồng.

Các tổ chức Đoàn cấp huyện đã thành lập và duy trì có hiệu quả 144 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp cấp cơ sở; 34 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã thanh niên; xây dựng 442 mô hình thanh niên phát triển kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế cũng được quan tâm triển khai… Qua các phong trào hoạt động của Đoàn - Hội, nhiều đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn vươn lên làm giàu chính đáng, tạo công ăn, việc làm cho lao động tại địa phương; đóng góp một phần không nhỏ vào thành tựu phát triển nông nghiệp của toàn tỉnh Lâm Đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo, trách nhiệm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.