(HNM) - Hai cuộc Cách mạng Tháng Mười (1917) ở Nga và Cách mạng Tháng Tám (1945) ở Việt Nam đều kết thúc thắng lợi dưới hình thức hai cuộc tổng khởi nghĩa do đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành trong điều kiện thời cơ đã chín muồi.
V. I. Lenin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. |
1. Để có được thắng lợi của cuộc "tổng tiến công" cuối cùng trong Cách mạng Tháng Mười 1917, những người bonsevic Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lenin đã có một quá trình chuẩn bị lực lượng lâu dài về mọi mặt: Tổ chức, chính trị, quân sự. Những người bonsevic đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng khi đó là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình.
Đến tháng 10-1917, đội ngũ Cận vệ đỏ - lực lượng vũ trang nòng cốt của cách mạng đã có số lượng lên tới 200.000 người trong các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga. Riêng ở Petrograt, đội ngũ Cận vệ đỏ đã có khoảng 20.000 người. Ngoài ra còn có lực lượng quân đội cách mạng, binh lính thủy thủ hạm đội Baltic cũng đã ngả về phía những người khởi nghĩa. Cuộc khởỉ nghĩa ở Petrograt đã nổ ra trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.
2. Ngày 19-5-1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời. Khẳng định quyết tâm "làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do", Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc; Công nhân cứu quốc; Thanh niên cứu quốc; Phụ nữ cứu quốc; Phụ lão cứu quốc; Văn hóa cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển rộng rãi. Mặt trận Việt Minh chính là "sợi dây" nối liền mối quan hệ khăng khít Dân - Đảng; Đảng - Dân, để ý Đảng thấm tới lòng dân, tạo ra khả năng cho Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước.
Khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Deviller đã nhận định: "Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước". Cụ thể hơn, đó là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách mạng. Lực lượng ở đây được hiểu là lực lượng tổng hợp - là sự kết hợp sức mạnh của nhiều lực lượng cụ thể: Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng...
3. Đến tháng 7-1945, các nước phát xít Đức, Ý đã bại trận trên chiến trường Châu Âu. Ở Châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Cho đến trước ngày 19-8-1945, những điều kiện của một cuộc khởi nghĩa dần dần chín muồi tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác. Ngày 15-8-1945, tại Hà Nội, khi được tin phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, mặc dù chỉ thị của trung ương chưa tới nhưng trong tình thế rất khẩn trương, Xứ ủy Bắc kỳ đã quyết định phát động quần chúng tiến hành khởi nghĩa trong các tỉnh do Xứ ủy phụ trách, tâm điểm là Hà Nội. Cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19-8-1945 ở Hà Nội đã diễn ra nhanh gọn, triệt để và không đổ máu. Chỉ trong ngày 19-8-1945, bộ máy chính quyền ở Hà Nội đã hoàn toàn về tay nhân dân.
Trung ương Đảng đã kịp thời rút kinh nghiệm và chỉ thị cho các địa phương khác, nơi nào có tình hình, có lực lượng thì cứ tiến hành khởi nghĩa như cách làm của Hà Nội. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội "châm ngòi" cho nhiều cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương khác, đặc biệt là tại các thành phố trung tâm đầu não chính quyền địch như Huế, Sài Gòn, làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trên phạm vi cả nước chỉ trong vòng hai tuần, trong cái chớp mắt của lịch sử - như cách nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cái chớp mắt của lịch sử đó, lịch sử Việt Nam đã sang một trang khác.
4. Từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới, cuộc cách mạng "... thành công, và thành công đến nơi" của nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của đảng bonsevic và rút ra những kết luận quan trọng. Những người cách mạng Việt Nam theo tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh đã học được tinh thần của V.I. Lenin, học được những bài học quý báu từ Cách mạng Tháng Mười (1917) và đã vận dụng đạt kết quả xuất sắc.
Cách mạng là sáng tạo. Những người bonsevic Nga - ở Petrograt tháng 10-1917 và những người cách mạng Việt Nam - ở Hà Nội tháng 8-1945 đã rất sáng tạo khi tiến hành khởi nghĩa thắng lợi. Nhắc lại bài học sáng tạo thành công trong quá khứ cũng là để nhớ rằng cuộc cách mạng trong thời đại mới vẫn luôn đòi hỏi những sự sáng tạo mới. Bài học sáng tạo trong tập hợp lực lượng cách mạng vẫn cần được vận dụng trong bối cảnh mới, khi chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực cho công cuộc xây dựng, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm xưa, "điểm chung" của toàn dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là Độc lập - Tự do đã mang lại sức mạnh giành độc lập. Hôm nay, điểm tương đồng của mọi người dân Việt Nam là "Giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" để đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong thời đại mới. Cùng với điểm tương đồng này là các chính sách cụ thể phù hợp với các tầng lớp nhân dân, tạo ra động lực mới thúc đẩy sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, phát huy mọi năng lực của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước sang thế kỷ XXI, trước những thời cơ và thách thức đặt ra với dân tộc (cả trong hiện tại và tương lai), Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất và sứ mệnh của Đảng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nhấn mạnh: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.