Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo hướng tới cộng đồng

Khánh Vũ| 16/12/2019 07:34

(HNM) - Với ý tưởng sáng tạo, tính khả thi và tinh thần hướng tới cộng đồng, dự án Kính thông minh MultiGlass hỗ trợ người khuyết tật tay của Lê Hoàng Anh và các cộng sự đã giành giải Nhất trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam) 2019 vừa được tổ chức. Sự thành công có được là nhờ niềm đam mê, nhiệt huyết của cá nhân Lê Hoàng Anh và các cộng sự.

Lê Hoàng Anh nhận giải Nhất tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Techfest 2019.

Vượt khó bằng đam mê

Trước khi tham gia “đấu trường” Techfest và giành được chiến thắng, dự án Kính thông minh MultiGlass cùng “cha đẻ” là cặp song sinh Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến (sinh năm 1990) đã là những tên tuổi khá quen thuộc trong giới khởi nghiệp công nghệ. Chứng kiến nhà sáng lập Lê Hoàng Anh với vẻ chững chạc, tự tin chinh phục Ban Giám khảo và lên nhận giải thưởng trong lễ trao giải của Techfest 2019, nhiều người đã chúc mừng không chỉ bởi vị trí quán quân, mà còn vì anh đã hiện thực hóa được mơ ước từ 7 năm trước. Đó là năm 2012, khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), sau khi phần mềm Nhận diện vân tay đoạt Huy chương vàng cuộc thi Tài năng khoa học trẻ quốc tế 2012, anh đã chia sẻ: "Sau này, tôi sẽ mở một công ty kinh doanh và phát triển phầm mềm cho riêng mình, tìm kiếm nhà đầu tư để sớm đem những sản phẩm do chúng tôi sáng chế giúp ích cho cộng đồng".

Với chiếc máy tính dùng ké của anh trai, từ khi còn học tại Trường Trung học phổ thông Thái Phiên, thành phố Đà Nẵng, anh em Hoàng Anh và Anh Tiến đã mày mò, sáng tạo và cho ra đời nhiều sản phẩm ấn tượng, vừa thỏa chí đam mê, vừa thiết thực với cuộc sống. Một trong những sản phẩm ghi dấu ấn quan trọng trên chặng đường sáng tạo của họ là phần mềm Tìm đường ngắn nhất. Ý tưởng này nảy ra trong những buổi hai anh em phụ mẹ bán nước ở công viên, thấy rất nhiều khách du lịch nước ngoài đi lạc mà không giúp đỡ được do trở ngại về ngôn ngữ. Sau nhiều ngày tìm hiểu, Hoàng Anh và Anh Tiến đã hoàn thành phần mềm dành cho điện thoại di động, giúp mọi người tra cứu bản đồ và tìm đường ngắn nhất, hiển thị cụ thể khoảng cách giữa hai điểm trên bản đồ khi đi lại trong thành phố Đà Nẵng. Phần mềm đoạt giải Khuyến khích Hội thi tin học trẻ không chuyên thành phố Đà Nẵng năm 2005-2006.

Sau đó, hai anh em liên tục cho ra đời các phần mềm Kinh doanh thực phẩm, Từ điển sinh vật - giải Ba tin học trẻ toàn quốc năm 2007, phần mềm Vui học đến trường dành cho lứa tuổi mẫu giáo, phần mềm Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, tra cứu điểm thi trên điện thoại - giải Ba tin học trẻ toàn quốc năm 2009... Năm 2010, phần mềm Tất cả trong một (All in One For Mobile) đã đoạt Huy chương đồng Triển lãm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ quốc tế lần thứ 7 tại Hà Nội. Phần mềm này giúp người sử dụng, truy cập nhanh, chính xác bằng ngôn ngữ tiếng Việt trên điện thoại di động về thời tiết, giá vàng, trắc nghiệm về Thăng Long - Hà Nội… và dịch được văn bản từ tiếng Anh ra 60 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Nhân văn, sáng tạo để tiến xa

Vượt qua những thiếu thốn về điều kiện vật chất, cặp song sinh Hoàng Anh - Anh Tiến đã có những thành công ấn tượng trên con đường sáng tạo của mình. Những thiệt thòi đã trải qua dường như khiến cho những sản phẩm của họ hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Đó cũng chính là yếu tố khiến MultiGlass chinh phục được các giám khảo trong những cuộc thi. Tổng Giám đốc Tập đoàn Aka Furniture Lý Quý Trung, cố vấn của cuộc thi Nhà khởi nghiệp của năm cho rằng, MultiGlass là dự án rất hay, dù có thể không đem lại nhiều lợi nhuận và doanh thu. Điều quan trọng là dự án mang tính nhân văn, sáng tạo và rất khả thi bởi đã nhìn thấy được khó khăn của xã hội và đưa ra được giải pháp.

Lê Hoàng Anh chia sẻ: "Theo thống kê tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 100 nghìn người bị tai nạn mất khả năng sử dụng tay. Chính vì vậy, nhóm đã lên ý tưởng và phát triển một thiết bị thông minh để giúp đỡ những người khuyết tật". Với giá thành phù hợp, một chiếc kính dao động từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và ở Việt Nam chưa có dòng sản phẩm tương tự. MultiGlass có thể hỗ trợ người khuyết tật tay sử dụng máy tính bằng cách cử động đầu. Với công nghệ nhận diện mống mắt Iris, người sử dụng chỉ cần nháy mắt phải để kích chuột phải, nháy mắt trái để kích chuột trái, di chuyển chuột bằng cách di chuyển đầu. Một đối tượng khác mà MultiGlass hướng đến là những lái xe ở Việt Nam với tính năng chống buồn ngủ. Qua hoạt động của mắt, sản phẩm này có thể phát hiện tài xế đang trong tình trạng buồn ngủ, tích hợp còi báo giúp các tài xế tránh mất tập trung do mệt mỏi. Thiết bị được tích hợp trên 3 nền tảng công nghệ chính gồm công nghệ không dây, công nghệ nhận diện mống mắt và trí tuệ nhân tạo. Dù vẫn trong quá trình thử nghiệm, kính MultiGlass vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm khả thi trên thị trường.

Để có sản phẩm hoàn thiện được đánh giá cao như ngày hôm nay, các thành viên của nhóm đã phải trải qua nhiều khó khăn của ngày khởi nghiệp, thiếu vốn, thiếu người tư vấn... "Dự án của chúng tôi may mắn có được đội ngũ cộng sự có trình độ chuyên môn tốt cả về kỹ thuật và kinh doanh bên cạnh niềm đam mê, tinh thần nhiệt huyết cùng với sự quyết tâm cao độ. Theo tôi đó chính là yếu tố quan trọng nhất giúp dự án đi đến thành công", Lê Hoàng Anh bộc bạch.

Về chặng đường sắp tới của MultiGlass, Lê Hoàng Anh cho biết, nhóm dự án đang củng cố lại các số liệu, mô hình kinh doanh cho cuộc thi Startup World Cup 2020. Bên cạnh đó, Công ty Multi Vietnam của anh sẽ triển khai sản phẩm ra thị trường nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu... Hiện ở nước ngoài cũng có một số mô hình dùng camera giám sát tình trạng của lái xe tương tự MultiGlass, song điểm mạnh của MultiGlass là giá thành thấp hơn trong khi giá bán ở nước ngoài khoảng 35-50 USD/thiết bị.

Chia sẻ về bước đường khởi nghiệp, người sáng lập MultiGlass nói: "Chúng ta hãy bắt đầu bằng những công việc đơn giản nhất bởi nó rèn luyện được tính cẩn thận, siêng năng, chịu khó. Khởi nghiệp là một cuộc chiến trường kỳ, nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, công sức. Nếu những việc đơn giản nhất mà mình không làm được thì không bao giờ khởi nghiệp thành công".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo hướng tới cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.