Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo giá trị mới cho những món đồ

Song Nhật| 07/05/2023 13:24

(HNMCT) - Nếu như nghệ thuật tái chế được đề cao bởi tính thông điệp thì thiết kế dựa trên những nguyên liệu có sẵn, tái chế để tạo ra một sản phẩm mới lại có giá trị rất cao về tính ứng dụng. Đem đến giá trị sử dụng mới cho những món đồ cũ cũng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Hãy cùng lắng nghe ý kiến của các nhà thiết kế, kiến trúc sư xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space:
Không gian công cộng ở các đô thị

Chúng ta đang thừa rất nhiều trang phục, tại sao không làm mới dựa trên chính những thứ đó thay vì sản xuất ra những chất liệu mới? Tại sao không dùng những bộ quần áo cũ? Tôi đã thấy nhiều nhà thiết kế rằng họ đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này và rất thành công. Chẳng hạn như nhà thiết kế Trần Thảo Miên, quan điểm của bạn ấy là không thiết kế mới mà sưu tầm đồ cũ và thiết kế dựa trên những bộ quần áo đó. Với không gian công cộng, chúng ta cũng cần có tư duy như vậy; nên dựa vào những thứ sẵn có của không gian cũ để từ đó sáng tạo nên những giá trị mới, trên những bức tường, xung quanh ngôi nhà. Trên thế giới hiện có xu hướng “Thành phố là một kho tàng”, thực ra thành phố nơi chúng ta đang sống đã là một kho tàng, hãy khai thác chứ không phải tìm kiếm một cái gì xa lạ ở đâu đó.

Không gian công cộng ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị đang có rất nhiều “hạn chế”. Hạn chế, có thể được hiểu qua hai thái cực đối lập: Quá nhiều và quá ít. Quá nhiều nhà cửa và quá ít cây xanh. Quá nhiều phương tiện cơ giới và quá ít phương tiện - chuyển động sinh học lành mạnh. Chỉ số phát thải carbon quá cao và quá ít không gian - điều kiện để giải phóng chúng. Khi đưa ra đánh giá tiêu chuẩn về môi trường sống của con người, cần phải đạt tới các ngưỡng điểm hài hòa của tỷ lệ, mật độ, chỉ số trên tất cả các phương diện vật chất và phi vật chất, nếu như thế thì có lẽ không gian công cộng của chúng ta đang ở giới hạn báo động sự mất cân đối lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Làm thế nào để có những thiết kế đóng vai trò giảm tải cho các vấn đề đang “quá nhiều”? Làm thế nào để có những thiết kế giúp tăng cường những yếu tố đang là “quá ít”? Làm thế nào để có những thiết kế tạo ra sự cân bằng, sự hài hòa giữa hai thái cực này? Hoặc, làm thế nào để chung sống với các hạn chế đang có? Để môi trường công cộng - nơi chốn sinh hoạt, vui chơi, gặp gỡ của mỗi cá nhân với cộng đồng trở nên lành mạnh hơn?

Chúng ta không chỉ nhằm vào các giải pháp thiết kế “tĩnh”: Các biến đổi vật lý hay vật thể - cấu trúc đặt để ở một không gian cụ thể, mà còn khuyến khích thiết kế các giải pháp “động”: Thiết kế hành vi, hoạt động cho con người tại chính các không gian công cộng để sinh hoạt lành mạnh hơn, con người kết nối với nhau dễ dàng và có chất lượng hơn, môi trường “khỏe” hơn.

Bà Vũ Thảo, nhà sáng lập và Giám đốc thiết kế Kilomet109:
Tái sử dụng là một nét văn hóa của người Việt

Chúng ta cũng như rất nhiều các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự khan hiếm về nhiên liệu, đồng thời tăng nhu cầu tái sử dụng, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế hiệu quả. Hãy nhìn hình ảnh xưởng nghệ thuật tái sinh của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân ở Hội An, các bạn có thể thấy xưởng của anh không khác gì bãi thu gom phế thải mà chúng ta hay thấy. Rõ ràng là rác, những phần đã bị bỏ đi có thể trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho sáng tác. Những nguyên liệu mà chúng ta chỉ bán với giá vài nghìn đồng/kg có thể trở thành tác phẩm có giá trị cao hơn nhiều. Việc tái chế là rất quan trọng. Đó cũng là cách tối đa hóa những gì bạn có.

Với tôi, tái sử dụng không chỉ là một xu hướng trong những năm gần đây, đó là thói quen, lối sống đã khởi sinh ở Việt Nam từ xa xưa, trở thành triết lý sống của người Việt và nó được duy trì vì chúng ta thuận theo tự nhiên, chúng ta không lãng phí, chúng ta muốn tận dụng những thứ xung quanh mình và chúng ta luôn tạo ra một đời sống mới cho những nguyên liệu cũ. Điều này là một phần của văn hóa Việt.

Trong lĩnh vực thiết kế trang phục, sáng tạo trên cơ sở tái tạo là mang đến cho sự sáng tạo một ý nghĩa mới bằng việc kết hợp của chuyên môn, ý tưởng và cả bí quyết để biến những đồ vật, chất liệu thành những trang phục mới lạ. Tái sử dụng, tái chế, tái cấu trúc... và mạnh dạn kết hợp cả với những chất liệu không có nguồn gốc từ thời trang nhưng có khả năng diễn đạt được tinh thần của thời trang hiệu quả. Tự do biến hóa với nghìn lẻ một cách ngẫu phối để đưa ra những bộ cánh gây bất ngờ với hình dáng và chức năng nổi bật.

Tôi cho rằng, sự hạn chế sẽ kích thích sáng tạo và chế tác thủ công. Nó giúp chúng ta đánh giá cao hơn những thứ xung quanh, thôi thúc chúng ta tìm kiếm những điều tốt đẹp, những giá trị ẩn náu mà thoạt nhìn tưởng là vô tri. Chúng tôi tin, sự hạn chế là chất xúc tác thú vị để tạo ra không chỉ những thiết kế tốt mà còn là những thiết kế vĩ đại có giá trị vượt trội. Điều quan trọng không phải là bạn đẩy trí tưởng tượng của mình đi xa đến mức nào, mà là bạn còn có thể làm chủ những giới hạn nhất định và trở nên phi thường trong giới hạn đó!

KTS Lê Việt Hà, thành viên Ban tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam:
Sáng tạo phải đi liền với tính ứng dụng

Năm nay, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam chọn chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế” bởi đây là một thách thức trong bối cảnh khủng hoảng nhiên liệu và nguyên liệu thô diễn ra trên toàn cầu. Hiện tượng đáng báo động và có nguy cơ kéo dài này buộc các nhà thiết kế phải hướng tới một sự đổi mới toàn diện. Vừa phải cắt giảm khai thác tài nguyên vừa phải tập trung tái sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Đồ cũ, hàng tồn, hàng lỗi, thậm chí cả những vật dụng bị bỏ đi trở thành nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào cho thiết kế. Tái sử dụng chúng giúp giảm nhu cầu về nguyên liệu thô mới. Việc thích nghi với những biến đổi của môi trường mới, đưa ra giải pháp ứng phó trước những thách thức mới vốn là bản năng sinh tồn của con người, nhưng ở giai đoạn này thì đó còn là yêu cầu khẩn thiết.

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam diễn ra với 5 lĩnh vực: Thiết kế truyền thông (Communication design), Thiết kế đồ nội thất (Living design), Thiết kế vật dụng và trang trí (Decor & Object design), Thiết kế trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design). Hội đồng chuyên môn sẽ chọn khoảng 30 mẫu thiết kế để hoàn thiện cho vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23-9 đến ngày 29-9. Đó là những mẫu thiết kế không chỉ xuất sắc về ý tưởng mà còn phải có khả năng ứng dụng tốt nhất. Các huấn luyện viên (mentor) của chúng tôi là những người giàu kinh nghiệm trong việc đưa các thiết kế vào thực tiễn, do vậy, sẽ giúp cho thí sinh hoàn thiện một quy trình thiết kế từ ý tưởng đến sản phẩm.

Qua 3 mùa tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, chúng tôi luôn đề cao tính ứng dụng của các thiết kế. Các ý tưởng thiết kế phải có khả năng hiện thực hóa, sát thực tế. Nhiệm vụ của VietNam Design Week là nâng cao giá trị của các sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế, tạo nền tảng hiệu quả để kết nối cộng đồng thiết kế đương đại với cộng đồng làng nghề truyền thống trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo giá trị mới cho những món đồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.