(HNM) - Không phải tốn tiền mua vật liệu đắt tiền, chỉ với những chiếc đinh nhỏ, người dân có thể xử lý asen trong nguồn nước ngầm ít sắt để bảo đảm nước sạch cho gia đình. Đó chính là sáng kiến của đoàn viên Đỗ Phương Hiền, khoa Vệ sinh và Sức khỏe môi trường, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế).
Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đỗ Phương Hiền về công tác tại Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường. Công việc của chị gắn liền với nghiên cứu nước sạch cho bà con nhân dân. Hiền cho biết: "Nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu bị nhiễm asen. Từ trước, bà con vẫn dùng bể lọc cát để giữ lại asen nhưng phương pháp này chỉ có tác dụng trong nguồn nước ngầm nhiều sắt, vì sắt kết tủa, kéo theo asen cùng được giữ lại trên lớp cát lọc. Nếu nguồn nước ngầm ít sắt sẽ không đủ để tạo thành kết tủa giữ lại asen. Do đó, dù nước có được lọc qua bể cát vẫn còn nhiễm asen". Điều này thôi thúc Hiền tìm giải pháp xử lý. Được lãnh đạo khoa gợi ý, chị mạnh dạn đăng ký đề tài "Nghiên cứu cải tiến bể lọc cát để xử lý asen trong nguồn nước ngầm ít sắt".
Hiền và đồng nghiệp chọn xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội) làm nơi lấy mẫu nghiên cứu đầu tiên. Vừa lấy mẫu nước thí nghiệm, nhóm Hiền nhiệt tình hướng dẫn bà con cách bảo quản và vệ sinh bể nước lọc đúng cách. Sau khi lấy mẫu nước, phân tích tại phòng thí nghiệm, được Viện giúp đỡ, Hiền và đồng nghiệp đã xây dựng một bể lọc cát như mô hình của bà con xã Dũng Tiến để nghiên cứu. Trên cơ sở mô hình bể lọc cát của bà con, Hiền đã có sáng kiến dùng đinh sắt thay thế cát đen và vụn gạch để tạo ra kết tủa. Đối với nước ngầm ít sắt, đinh sắt hoàn toàn có thể đáp ứng được, hơn nữa lại rẻ, dễ mua, dễ sử dụng, 2-3 năm mới lại phải thay đinh rải trên bề mặt bể một lần. Sáng kiến hiệu quả này đã giúp bà con có nguồn nước sạch dùng, tránh nguy cơ bị nhiễm các bệnh vảy sừng, ung thư, suy thận... do asen gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.