Hồ sơ

Sáng kiến Vành đai và Con đường – “Siêu dự án” nhiều kỳ vọng Bài 1: Vành đai và Con đường

Nguyễn Thúc 12/12/2023 18:15

Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9-2013) và Đông Nam Á (tháng 10-2013), sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) là chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu do Bắc Kinh chủ trì, hướng đến việc kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông qua các tuyến đường bộ và đường biển.

Kết nối những không gian

Ý tưởng của BRI bắt nguồn từ Con đường tơ lụa cổ đại, khi triều đại nhà Hán (206 TCN-220 CN) mở rộng về phía Tây, tạo ra mạng lưới thương mại trên khắp các quốc gia Trung Á, thậm chí kéo dài hơn bốn ngàn dặm đến châu Âu. Lụa, gia vị, ngọc bích và các hàng hóa khác có giá trị của Trung Hoa di chuyển về phía Tây, trong khi quốc gia này nhận được vàng, các kim loại quý, ngà voi và các sản phẩm thủy tinh khác. Tuyến đường này đạt đỉnh cao phát triển trong thiên niên kỷ đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đế chế La Mã và sau đó là Đế chế Byzantine và triều đại nhà Đường (618-907 CN) ở Trung Hoa.

Bước sang thời hiện đại, sáng kiến BRI của Trung Quốc có phạm vi địa lý trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latinh, với hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Trong đó, Vành đai kinh tế con đường tơ lụa hình thành 6 tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia gồm: Hành lang đường bộ Á – Âu mới (từ phía Đông Trung Quốc qua Tân Cương, Nga, Ba Lan tới một số cảng biển ở châu Âu); Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ - Nga; Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á (chạy từ Tân Cương sang Trung Á tới bờ biển Địa Trung Hải và bán đảo Ả rập); Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Đông Nam Á; Hành lang Kinh tế Bangladesh – Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).

br1_all_4.jpeg
Tuyến đường bộ trong khuôn khổ BRI đi qua rặng núi Karakorum (Pakistan).

Trong khi đó, Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 xoay quanh 2 tuyến hàng hải chính gồm: Tuyến thứ nhất trải theo duyên hải Đông Nam Trung Quốc – Biển Đông – Đông Nam Á – Ấn Độ Dương, sau đó rẽ 2 nhánh, một nhánh đến Đông Bắc Phi (Kenya, Ethiopia) và một nhánh đến Địa Trung Hải (Ai Cập, Hy Lạp), rồi tới Nam Âu (Italia, Thổ Nhĩ Kỳ). Tuyến thứ hai kết nối vùng duyên hải Trung Quốc – Biển Đông – Nam Thái Bình Dương (Australia, New Zealand).

Dọc theo các hành lang nói trên, một loạt dự án cơ sở hạ tầng được thiết lập bao gồm đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt và cảng biển, cùng với đó là các khoản đầu tư phát triển công nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, BRI cũng bao gồm dự án “con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Được công bố lần đầu vào năm 2017, dự án này có tham vọng lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển cung cấp “siêu xa lộ thông tin” kết nối các quốc gia châu Á tới châu Âu và châu Phi, đồng thời cung cấp “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến cho các quốc gia tham gia BRI”, từ mạng băng thông rộng, trung tâm thương mại điện tử cho tới thành phố thông minh...

Với quy mô khổng lồ, BRI được đánh giá là tổ hợp siêu dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại, đồng thời phản ánh tầm nhìn của Bắc Kinh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tương lai của đất nước và thương mại toàn cầu. Theo đề xuất của Trung Quốc, BRI bao gồm 5 mảng hợp tác chính là: Kết nối chính sách; Kết nối cơ sở hạ tầng; Kết nối thương mại và đầu tư; Kết nối tài chính - tiền tệ; Kết nối con người. Trong đó, mảng kết nối chính sách hướng đến tăng cường hợp tác giữa chính phủ các nước, tích cực xây dựng một cơ chế trao đổi nhiều cấp liên chính phủ để các bên thông hiểu chính sách lớn của nhau, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, đạt được một sự đồng thuận mới về hợp tác.

Mảng kết nối cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu thúc đẩy xây dựng các tuyến giao thông xương sống kết nối giữa các tiểu vùng trong châu Á và giữa châu Á, châu Âu với châu Phi, bao gồm tập trung xây dựng các tuyến đường quan trọng, các điểm liên kết và công trình trọng điểm, ưu tiên giải quyết những con đường đứt đoạn, các nút thắt giao thông; xây dựng cơ chế liên kết vận tải toàn tuyến, thông quan, trung chuyển dưới nhiều hình thức ở tầm quốc tế; thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng các cửa khẩu, tăng cường hợp tác xây dựng các cảng biển, tăng số lượng tuyến đường và số lượt tàu trên biển; đẩy mạnh hợp tác vận tải biển, hàng không dân dụng; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng về năng lượng, đảm bảo an toàn cho các đường ống dẫn dầu, dẫn khí, xây dựng các tuyến truyền tải điện xuyên biên giới, cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện khu vực; thúc đẩy xây dựng mạng lưới cáp thông tin, cáp quang xuyên biên giới, nâng cao mức độ kết nối thông tin quốc tế, tiến tới quy hoạch, xây dựng hệ thống cáp quang ngầm dưới biển liên kết với các châu lục, hoàn thiện liên kết thông tin vệ tinh.

br1_all_5.jpeg
Cảng Gwadar (Pakistan) – một mắt xích quan trọng trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, đã nhận được đầu tư mạnh mẽ từ khuôn khổ BRI.

Mảng kết nối thương mại và đầu tư có nhiệm vụ chính là tạo thuận lợi cho thương mại thông qua các hiệp định giúp hình thành các khu vực thương mại tự do, giảm các rào cản phi thuế quan, nâng cao mức độ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại; thúc đẩy cân bằng thương mại, tập trung phát triển thương mại hiện đại; tạo thuận lợi cho đầu tư: Loại bỏ các hàng rào đầu tư, đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần; thúc đẩy đầu tư trên cả các lĩnh vực truyền thống và những ngành công nghiệp mới; phát triển các chuỗi sản xuất công nghiệp khu vực; xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và khu công nghiệp; tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.

Mảng kết nối tài chính – tiền tệ thúc đẩy hợp tác tài chính, xây dựng hệ thống tiền tệ, hệ thống đầu tư vốn và hệ thống tín dụng ở châu Á ổn định; mở rộng hoán đổi tiền tệ, phạm vi và quy mô thanh toán song phương; tăng cường mở cửa và phát triển thị trường chứng khoán châu Á; tăng cường hoạt động của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng BRICS, Cơ cấu tiền tệ của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Quỹ Con đường tơ lụa; đi sâu hợp tác thực chất trong hệ thống liên ngân hàng Trung Quốc – ASEAN, hệ thống liên ngân hàng SCO; tăng cường hợp tác giám sát tài chính, hoàn thiện cơ chế ứng phó rủi ro và xử lý khủng hoảng; tăng cường hợp tác liên khu vực giữa các cơ quan, tổ chức tín dụng và các tổ chức đánh giá tài chính.

br1_all_6.jpg
Hợp tác về thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch luôn là một trọng tâm của BRI.

Mảng kết nối con người chú trọng mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, học thuật, báo chí, thanh niên, tình nguyện viên, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác song phương và đa phương; mở rộng quy mô lưu học sinh và hợp tác đào tạo, trong đó, hằng năm Trung Quốc sẽ cấp các suất học bổng Chính phủ cho các nước dọc tuyến đường; tăng cường hợp tác du lịch, tổ chức quảng bá và tuyên truyền du lịch; thúc đẩy hợp tác du lịch du thuyền trên biển; tăng cường trao đổi thông tin và hỗ trợ y tế; tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, hợp tác triển khai các dự án công nghệ lớn, nâng cao năng lực sáng tạo; tăng cường hợp tác giữa các chính đảng, quốc hội; tăng cường giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và truyền thông, xây dựng môi trường dư luận và môi trường văn hóa hài hòa, hữu nghị.

Nhìn lại để đi tới

Thực tế, việc thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, tiền thân của BRI, đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa vào Điều lệ Đảng từ Đại hội XIX (năm 2017) không chỉ cho thấy sự coi trọng cũng như tầm quan trọng của BRI trong các chiến lược của Trung Quốc, mà còn thể hiện quyết tâm cao độ của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy sáng kiến này.

Trên tinh thần đó, trong suốt 10 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng kết nối các quốc gia dọc tuyến đường trên tất cả các phương diện. Việc đưa ra cơ chế hợp tác rộng mở, nới lỏng các rào cản thương mại, kinh doanh, đầu tư xuyên biên giới, cũng đã giúp Bắc Kinh mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với nhiều nước, tạo dựng thị trường hướng tâm về Trung Quốc nhằm ứng phó sức ép cạnh tranh từ phương Tây.

br1_all_11.jpeg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Trung Quốc (tháng 10-2023).

Sức tiến của BRI thể hiện qua nhiều “con số biết nói”, như hơn 200 văn kiện hợp tác trong khuôn khổ BRI giữa Trung Quốc với hơn 150 quốc gia (tương đương ¾ quốc gia trên toàn cầu) cùng hơn 30 tổ chức quốc tế ở 5 châu lục. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với các nước tham gia BRI tăng trưởng bình quân 6,4%/năm. Hết năm 2022, Trung Quốc đã triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Cùng với đó, các khuôn khổ hợp tác đa phương BRI như Cơ chế hợp tác cảng biển con đường tơ lụa, Liên minh quốc tế BRI về phát triển xanh, Đối tác năng lượng BRI, Mạng lưới nghiên cứu BRI, Nền tảng dữ liệu lớn về môi trường BRI, Cơ chế hợp tác quản lý thuế BRI… đều có những bước phát triển tích cực. Những nỗ lực đầy quyết tâm giúp BRI thành công trong việc đạt được sự công nhận rộng rãi hơn của quốc tế đối với BRI và bước đầu thể chế hóa sáng kiến thành một cơ chế toàn cầu; uy tín cao của AIIB thể hiện qua số lượng thành viên tham gia không ngừng gia tăng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến Vành đai và Con đường – “Siêu dự án” nhiều kỳ vọng Bài 1: Vành đai và Con đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.