Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP: Vì sao không hấp dẫn nông dân?

Sơn Tùng| 13/05/2016 08:10

(HNM) - Thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, diện tích nông sản thực hiện theo quy trình này chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích cây trồng trên cả nước.

Người dân mua rau quả an toàn tại một hội chợ nông nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn


TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng diện tích này cũng chỉ đạt từ 5 đến 7%. Vì sao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khó nhân rộng và không hấp dẫn nhà nông?

Đến làng chè an toàn Phúc Xuân xã Bắc Sơn, xã cuối cùng của huyện Sóc Sơn, giáp bên kia là tỉnh Thái Nguyên, khi trao đổi về quá trình hình thành vùng sản xuất chè an toàn này, chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp xã Đào Thị Quý cho biết: Toàn xã có hơn 400ha chè nhưng chủ yếu sản xuất manh mún theo kinh nghiệm cha truyền con nối là chính nên khi triển khai mô hình sản xuất chè an toàn gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu nông dân ngại khó, làm mang tính đối phó, nhiều hộ tham gia mô hình khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học không thấy sâu chết ngay đã cho là "thuốc kém chất lượng". Để người dân thay đổi nhận thức, chính quyền đã mất nhiều công sức tuyên truyền, vận động nông hộ làm điểm rồi nhân rộng. Sau 10 năm, đến nay nơi đây mới hình thành được 10ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP.

Tương tự, sau gần 20 năm nỗ lực xây dựng vùng rau an toàn (RAT), trong hơn 5.100ha đủ điều kiện chứng nhận an toàn thực phẩm trong sản xuất của Hà Nội mới có 352ha rau canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 40ha rau hữu cơ.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song một trong những lý do chính là nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, trong khi bộ tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi rất cao. Đặc biệt, đầu ra cho nông sản đạt chuẩn VietGAP chưa tương xứng với công sức nông dân bỏ ra khiến họ không mấy mặn mà. Thực tế nông dân tham gia quy trình VietGAP sẽ được tập huấn nên kỹ thuật chăm sóc cây tốt hơn, năng suất cao hơn và chất lượng trái an toàn hơn. Nông hộ cũng được hỗ trợ một phần vốn để mua máy móc, phân bón, thuốc,... hỗ trợ vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để xây nhà kho, tập trung được sản lượng, quản lý dịch bệnh… Nhưng nghịch lý ở chỗ: Nông dân xây dựng mô hình VietGAP song hiệu quả mang lại không cao, nên diện tích canh tác theo tiêu chuẩn này rất khó mở rộng.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc HTX RAT Lĩnh Lam, quận Hoàng Mai cho hay: Hiện đơn vị có 100ha rau màu các loại, trong đó có 15,5ha đạt chứng nhận VietGAP. "Để hình thành được 15,5ha RAT theo tiêu chuẩn VietGAP là sự nỗ lực lớn. HTX có trên 1.000 hộ dân tham gia sản xuất chia thành 14 nhóm hộ để tập huấn, quản lý kỹ thuật. Tôi cùng Hội Nông dân phường đi vận động bà con trồng rau tham gia vào tổ sản xuất VietGAP khó khăn lắm. Qua mấy năm ròng rã, số hộ tham gia VietGAP giảm xuống chỉ còn hơn 100. Lý do là các hộ dân ngại đi họp, không quen ghi chép "nhật ký đồng ruộng", sản xuất kỳ công nhưng "đầu ra" rất khó khăn, giá bán không cao hơn các nông sản đại trà khác..." - ông Minh khẳng định.
Việc triển khai các mô hình VietGAP không chỉ là khó khăn của Hà Nội mà còn là tình hình chung của nhiều địa phương khác trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc triển khai trồng củ, quả, chè theo mô hình VietGAP rất chậm, thậm chí một số nơi đã bỏ trồng theo VietGAP, vì "đầu ra" không có. Đối với cây rau màu cũng tương tự, tỷ lệ đạt rất thấp, hiện diện tích rau trồng theo mô hình VietGAP đạt khoảng 25.000ha, diện tích chè và quả cũng rất hạn chế chỉ vài nghìn héc ta. Việc mở rộng diện tích canh tác theo VietGAP chậm, theo ông Cường là do chi phí trả cho tổ chức chứng nhận khá lớn, trong khi các sản phẩm trồng ra bán với giá thường, hiệu quả, lợi nhuận thấp. Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ, rất khó làm các sản phẩm VietGAP.

Trước những khó khăn, hạn chế của mô hình, Bộ NN&PTNT đang sửa quy định về bộ tiêu chí VietGAP hiện tại, rút từ 65 tiêu chí xuống còn 19 trong cả khâu sản xuất và chế biến. TP Hà Nội cũng đã đẩy mạnh việc tập huấn cũng như hỗ trợ nông dân xây dựng các biểu bảng, các mẫu nhật ký để họ dễ thực hiện hơn. "Tuy nhiên, sản xuất theo VietGAP được mở rộng hay không, phụ thuộc vào việc người sản xuất phải có lãi. Nếu người tiêu dùng cứ tiện đâu mua đấy và mong giá rẻ, việc sản xuất VietGAP rất khó thành công" - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng khẳng định.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội: Nông dân có thể nắm chắc quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn qua vài lớp tập huấn ngắn và dài hạn. Tuy nhiên, để thực hành được theo chuẩn VietGAP thuần thục rất khó khăn, bởi lực lượng lao động trong nông nghiệp đã và đang già hóa, đều ở độ tuổi trên 40, 50, mà yêu cầu là phải ghi chép tỉ mẩn từng loại thuốc, phân, giống… cũng như nhật ký hoạt động trên đồng ruộng mỗi ngày. Điều này khiến nhiều người ngại, nản và xin ra khỏi mô hình.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP: Vì sao không hấp dẫn nông dân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.