(HNMO) - Trong giai đoạn 2020-2022, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật và phần lớn đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại các vùng sinh thái trên cả nước.
Hằng năm, Viện chuyển giao sản xuất hơn 30.000 lợn giống bố mẹ (chuyển giao trực tiếp) và khoảng 100.000 lợn bố mẹ (thông qua chuyển giao lợn giống ông bà) góp phần tái đàn lợn sau dịch của các địa phương trong cả nước; sản xuất 12-13 triệu con gà giống các loại; vịt giống các loại 1,5-2 triệu con; ngan giống 250-300 nghìn con; trứng giống các loại 12-15 triệu quả. Các giống gà nội và gà lai lông màu do Viện Chăn nuôi chọn lọc, lai tạo ước tính chiếm khoảng 30-35% thị phần. Trung bình mỗi năm, sản phẩm khoa học công nghệ của Viện Chăn nuôi góp phần tăng giá trị cho người chăn nuôi khoảng 12.000 - 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhờ thành tựu khoa học và công nghệ, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn duy trì mức cao, trung bình 5-6%/năm. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 25% vào GDP ngành Nông nghiệp, duy trì mức tăng trưởng chung của toàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp trong năm 2022 mặc dù chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, lạm phát toàn cầu và bất ổn chính trị thế giới nhưng vẫn có kết quả kỷ lục trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Thành công trên có sự đóng góp rất lớn của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, do đó, Viện Chăn nuôi cần có sự đột phá trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống nhờ khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.