Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất miến dong tại xã Dương Liễu (Hoài Đức): Không có chuyện sử dụng phẩm màu độc hại

Thu Hằng| 05/04/2014 07:29

(HNM) - Mấy ngày gần đây, thông tin về việc sản xuất miến dong ở Dương Liễu (Hoài Đức) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Phóng viên Báo Hànộimới đã thâm nhập thực tế nhằm làm sáng tỏ tình hình…

Người dân vẫn ăn miến bình thường

Không phải mùa sản xuất chính của làng nghề chế biến nông sản, nhưng ngay từ đầu lối rẽ xuống trụ sở UBND xã Dương Liễu chúng tôi đã cảm nhận được môi trường ở nơi đây bị ô nhiễm bởi bụi, nước thải, chất thải từ nghề sản xuất tinh bột, miến dong. Đi sâu vào trong các thôn, xóm của xã, mùi chua, thối của nước thải từ các tuyến kênh hai bên đường bốc lên rất khó chịu. Trên mặt các tuyến đường và kênh thoát nước bùn đất, rác thải, chất thải làng nghề tồn đọng rất nhiều.

Người dân phơi miến tại khu đồng Dương Liễu C.


Ông Ngô Văn Minh, cán bộ văn phòng UBND xã Dương Liễu cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 80 hộ sản xuất miến dong, tập trung nhiều ở thôn Gia (38 hộ). Đến nay, 100% hộ sản xuất miến đã được cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Hằng năm, các hộ đều tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ năng lao động, ATVSTP, vệ sinh lao động… do xã và huyện tổ chức. Tuy nhiên, do nghề sản xuất miến chiếm nhiều diện tích, trong khi đó hầu hết hộ dân đều tận dụng đất của gia đình để sản xuất nên phần nào chưa đáp ứng yêu cầu ATVSTP theo quy định. Hơn nữa, đặc thù của nghề là lượng nước thải, bã thải nhiều, nhất là vào những tháng chính vụ, toàn bộ nước, chất thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường; hệ thống tiêu thoát nước của xã, các thôn, xóm chưa đáp ứng kịp gây ứ đọng tại nhiều điểm.

Trao đổi với chúng tôi về việc người dân phơi miến gần các kênh nước ô nhiễm, ông Minh thừa nhận việc này là có thật, song hiện nay số hộ tận dụng đường đi, kênh mương để phơi miến dong chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bởi hầu hết hộ sản xuất đã thuê đất ruộng tại khu đồng Dương Liễu B và C dùng làm sân phơi miến, tinh bột... Còn thông tin cho rằng người dân Dương Liễu không ăn miến do mình sản xuất ra, ông Minh khẳng định, thông tin đó hoàn toàn sai sự thật. Hiện tại, trong bữa cơm hằng ngày hay khi gia đình có công việc lớn, nhỏ, người dân Dương Liễu vẫn sử dụng miến nấu ăn bình thường. Hơn nữa, sản phẩm miến được sử dụng nhiều để làm quà biếu khách.

Thực tế tại khu đồng Dương Liễu B và C, đúng là có rất nhiều hộ dân đã thuê đất để sử dụng làm chỗ phơi miến và tinh bột từ nhiều năm nay. Chỉ một vài hộ tận dụng đường đi, kênh mương để phơi miến. Ông Nguyễn Tiến Ninh, thôn Gia cho biết, mỗi năm gia đình ông sản xuất khoảng 200 tấn miến thành phẩm (chủ yếu là miến mộc) bán ra thị trường trong nước. Do thiếu mặt bằng sản xuất nên ông phải thuê 1 mẫu ruộng tại khu đồng Dương Liễu C để phơi miến. Khi được hỏi tại sao các hộ không đầu tư máy sấy miến, vừa bảo đảm ATVSTP vừa không tốn công phơi và tiền thuê sân bãi, rất nhiều hộ sản xuất miến tại thôn Gia đều cho rằng chi phí mua máy sấy quá lớn, trong khi đó chất lượng miến không ngon bằng phơi nắng, do vậy sau khi thử nghiệm thấy không hiệu quả lại thôi.

Không sử dụng hóa chất độc hại

Để làm rõ thông tin liên quan việc các hộ dân sử dụng phẩm màu công nghiệp để làm đổi màu miến, chúng tôi đã được giới thiệu đến gặp ông Nguyễn Huy Khải, Hội trưởng Hội Các nhà sản xuất, kinh doanh miến dong Dương Liễu. Trao đổi với chúng tôi, ông Khải khẳng định, thông tin trên không chính xác, bởi hiện nay đa số hộ dân sản xuất miến ở Dương Liễu sản xuất miến mộc (màu tự nhiên). Số hộ làm miến trắng cũng không nhiều, vì làm miến trắng sẽ tốn nhiều nước trong quá trình rửa bột, giá thành sản phẩm lại cao nên ít người mua. Một số ít hộ sử dụng màu thực phẩm trong sản xuất như bột điều đỏ, màu thực phẩm Roha để làm miến có màu vàng nhạt hoặc vàng đậm theo yêu cầu của khách. Song hai loại màu thực phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Việc thông tin thiếu trung thực trên một số báo mấy ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân làng nghề.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Phúc, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết: Từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố và của huyện liên tục có những đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại Dương Liễu, lấy mẫu miến thành phẩm, màu thực phẩm và tinh bột để xét nghiệm. Các kết quả phân tích đều khẳng định các chỉ số lý, hóa đều trong giới hạn cho phép, khi sử dụng không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mới đây, trong đợt kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm của Chi cục ATTP thành phố (Sở Y tế Hà Nội) tháng 1-2014, cả hai cơ sở được lấy mẫu miến dong xét nghiệm là hộ kinh doanh Thái Dương và Công ty CP Sản xuất thương mại và dịch vụ Trường Phát đều đạt tiêu chuẩn ATVSTP.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính các nhà sản xuất miến dong tại xã Dương Liễu, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ làm nghề, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra ATVSTP, công bố kết quả để người dân biết, tránh những thông tin thất thiệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề như thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất miến dong tại xã Dương Liễu (Hoài Đức): Không có chuyện sử dụng phẩm màu độc hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.