(HNM) - Mùa đông - xuân là thời điểm dễ bùng phát các bệnh lây qua đường hô hấp, như: Sởi, cúm, ho gà, bạch hầu, quai bị, thủy đậu... Thời điểm này, thế giới cũng đang lo ngại dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh. Trước thực tế đó, ngành Y tế đã yêu cầu các địa phương lên phương án, sẵn sàng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh khi có tình huống xấu xảy ra.
Tiềm ẩn nhiều yếu tố bùng phát dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2020, cả nước ghi nhận 3.031 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 247 trường hợp dương tính với sởi; 103.050 trường hợp mắc sốt xuất huyết (15 trường hợp tử vong); 449 trường hợp viêm màng não do vi rút (10 trường hợp tử vong); 208 trường hợp dương tính với bạch hầu (5 trường hợp tử vong)… So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc và tử vong của hầu hết dịch bệnh truyền nhiễm đều có xu hướng giảm.
Song, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, dù đa số bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm nhưng vẫn có số ca mắc cao, gia tăng cục bộ. Các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố. Dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới vẫn hiện hữu. Dự báo, trong mùa đông - xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao diễn biến phức tạp.
Đề cập đến những bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong mùa đông - xuân, thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm tồn tại lâu hơn trong môi trường, làm tăng khả năng lây truyền dịch bệnh. Những bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân chủ yếu là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, như: Sởi, rubella, cúm, ho gà... Bởi, cơ quan hô hấp thường dễ bị tổn thương trong mùa đông - xuân, khi thời tiết lạnh, ẩm.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 8-11, thành phố ghi nhận 15 trường hợp mắc sởi, trong đó có 5 trường hợp được tiêm phòng vắc xin đầy đủ (chiếm 33%), còn lại 10 trường hợp chưa được tiêm phòng (chiếm 67%). Ngoài ra, trong số 6 trường hợp mắc ho gà, chỉ có 2 trường hợp đã tiêm vắc xin phòng bệnh.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ, so với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc tiêm chủng, khiến nhiều trẻ nhỏ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngoài sởi, ho gà, thời tiết mùa đông - xuân cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Hằng năm, trung bình ở nước ta có trên 800.000 người mắc cúm. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) lưu ý, cúm là bệnh đặc trưng trong mùa đông - xuân. Hiện tại, chủng cúm H1N1 vẫn là chủng thường gây bệnh tại Việt Nam và có thể gây một số biến chứng dễ dẫn đến tử vong, do đó người dân không nên chủ quan.
Vừa phòng dịch Covid-19, vừa phòng bệnh mùa đông - xuân
Từ ngày 17-8 đến nay, trên địa bàn Hà Nội không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng, nhưng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mùa đông - xuân năm nay được dự báo sẽ vô cùng khắc nghiệt. Do đó, các quận, huyện, thị xã phải sẵn sàng trang thiết bị, nguồn nhân lực vừa phòng dịch Covid-19, vừa phòng các dịch bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân, cũng như rà soát tất cả kịch bản ứng phó với từng tình huống.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19, hiện 5 đoàn kiểm tra công tác của thành phố Hà Nội đang tiến hành kiểm tra công tác phòng dịch tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó chú trọng kiểm tra việc người dân đeo khẩu trang. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, không chỉ Covid-19, mà nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, như: Sởi, ho gà, cúm… thường lây lan qua các giọt bắn. Do đó, việc đeo khẩu trang có thể làm giảm khả năng hít phải mầm bệnh trong không khí và hạn chế phát tán mầm bệnh khi mình mắc bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch.
Để giúp người dân phân biệt các bệnh: Cúm, sởi, ho gà với Covid-19, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, dấu hiệu của một số bệnh như: Ho gà, sởi... Riêng với cúm, người mắc bệnh thường có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nhưng với Covid-19, thông thường người bệnh chỉ có ho, ho khan, ho dai dẳng và sốt. Ngoài ra, một điều khác biệt nữa là bệnh nhân Covid-19 phải có yếu tố dịch tễ, đó là phải tiếp xúc với người bị nhiễm, nghi nhiễm và về từ vùng dịch.
“Để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh đông - xuân, trong kịch bản, các quận, huyện, thị xã phải đưa ra các tình huống giả định cụ thể, thậm chí có cả những tình huống xấu, để nếu xảy ra trên thực tế, chúng ta không lúng túng, bị động”, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.