Kinh tế

Sẵn sàng trước biến động chuỗi cung ứng toàn cầu

Lam Giang 17/02/2025 - 06:42

Các chính sách thuế mới của Mỹ sẽ tác động nhiều chiều tới nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, đem đến những cơ hội cùng thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lúc ngành sản xuất trong nước cần có những đối sách kịp thời, sẵn sàng ứng phó với những biến động dự báo có thể xảy ra.

dace-moi-truong.jpg
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE Hà Nội. Ảnh: Hà Thư

Tác động nhiều chiều

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành loạt chính sách thuế mới với hàng hóa nhập khẩu của một số quốc gia, thương mại toàn cầu gia tăng căng thẳng, với nguy cơ chuỗi cung ứng xáo trộn mạnh.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), thuế quan là một trong những công cụ được ông Donald Trump đề cao và từng được sử dụng ở nhiệm kỳ tổng thống trước (năm 2017-2021). Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 2, chính sách thuế quan được áp dụng nhanh, mạnh và rộng hơn. Các chính sách này có thể làm gián đoạn hoặc thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng từng mặt hàng hoặc nhiều mặt hàng và lan rộng từ một ngành nghề đến nhiều ngành nghề.

Ông Lê Quốc Phương nêu dẫn chứng, do sản xuất hàng hóa liên kết chặt chẽ đến nhau, nên việc áp thuế không miễn trừ với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ ở mức 25% từ ngày 4-3 tới sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nhiều ngành công nghiệp, như ô tô, máy bay, thiết bị quân sự, hàng gia dụng, máy tính, điện thoại… Thực tế này sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, các nước bị đánh thuế và tác động gián tiếp đến các nền kinh tế khác trên toàn cầu.

Ngoại trừ nhôm và thép, hàng hóa nhập khẩu của nước ta chưa thuộc diện tăng thuế, song chuỗi cung ứng và thương mại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Theo các chuyên gia, thách thức đến từ việc hàng hóa của nhiều nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ tìm đường tới các thị trường khác, cũng là thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, thậm chí tràn vào cả thị trường Việt Nam, gây nên cạnh tranh gay gắt. Cùng với đó, thuế tăng có thể khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng, lãi suất khó hạ, nên tiêu dùng tại Mỹ đi xuống, còn đồng USD tăng giá làm chi phí đầu vào sản xuất tăng theo. Chưa kể, chính các quốc gia bị Mỹ áp thuế cũng sẽ có hành động tương tự với hàng hóa của Mỹ, gây nên xáo trộn, bất ổn lớn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, chính sách thuế của Mỹ cũng đem đến những cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Khi các nước xuất khẩu lớn sang Mỹ gặp khó khăn do bị áp thuế cao, hàng hóa Việt Nam có cơ hội vươn ra chiếm lĩnh thị trường Mỹ. “Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp từ chính quốc gia bị áp thuế cao, có thể chuyển sản xuất sang các nước khác (trong đó có Việt Nam) nhằm tránh tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ. Điều này mở ra cơ hội thu hút đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất cho Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Phương nhận định.

Tận dụng lợi thế, khắc phục rủi ro

Là doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE Trần Văn Hiếu vẫn lạc quan trước diễn biến mới của thương mại toàn cầu.

Ông Trần Văn Hiếu cho biết, sức mua tại thị trường Mỹ với sản phẩm gia vị hữu cơ của doanh nghiệp có giảm nhưng trong dài hạn sẽ tăng, do ưu tiên của người Mỹ tới sức khỏe và sản phẩm thiết yếu, an toàn. Ngoài Mỹ, thị trường Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Australia vẫn giữ vững tăng trưởng. “Thời gian tới, chúng tôi vẫn thực hiện chiến lược marketing tại thị trường Mỹ và mở rộng thị trường mới, như Israel, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Singapore… để ứng phó với những thay đổi có thể xảy ra”, ông Trần Văn Hiếu thông tin.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, đây là cơ hội để đánh giá lại năng lực nội bộ, tái cấu trúc và tận dụng lợi thế, chuẩn bị đón một làn sóng mới từ thị trường. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và khó dự đoán, do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, theo dõi sát tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường...

Về phía cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, có kịch bản ứng phó kịp thời với biến động của tỷ giá; tạo môi trường thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Đại diện Bộ Công Thương cho hay, Bộ đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Bộ cũng chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Việt Nam luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; tận dụng lợi thế sẵn có của Việt Nam để từng bước nâng cao vai trò và vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, trong khi nhà nước đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước để mở đường cho xuất khẩu thì doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn để thích ứng các yêu cầu mới của thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.

GS.TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân:

thuong-lang.jpg

Tối ưu hóa cơ cấu gia tăng giá trị xuất khẩu

Chúng ta không bất ngờ về chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi đã được tuyên bố trước khi ông nhậm chức. Ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của mình, ông Donald Trump đã sử dụng công cụ thuế lên hàng hóa nhập khẩu, nên doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều đã tích lũy được kinh nghiệm ứng phó. Vì thế lần này, chúng ta cần có giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn từ cả phía Nhà nước, doanh nghiệp. Chúng ta có thể kêu gọi Mỹ đầu tư vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng đầu tư sang Mỹ để vượt được hàng rào thuế quan bên cạnh tuân thủ nguyên tắc có đi - có lại trong việc áp thuế.

Cùng với giảm thiểu chi phí phi chính thức, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, giảm thuế, lãi suất... Đặc biệt cần tối ưu hóa cơ cấu xuất khẩu để gia tăng giá trị xuất khẩu, trong đó mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, nhu cầu lớn, có uy tín thương hiệu nên được đầu tư sâu hơn nữa để tạo lợi thế cạnh tranh.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa:

xuan-da.jpg

Theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời

Việc áp thuế 25% với thép trên diện rộng của Mỹ tạo sân chơi bình đẳng hơn. Các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng về giá từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn, hoặc bằng 0 trước đây.

Sản phẩm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tính đến nay, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ việc với thép, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp nói chung và ngành thép nói riêng cần chấp nhận chính sách bảo hộ thương mại đã áp dụng trên toàn cầu, 13 triệu tấn thép xuất khẩu đi hầu khắp các thị trường đều đối mặt các chính sách này. Để chủ động ứng phó, các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm giá thành, bảo đảm xuất xứ rõ ràng, nắm bắt pháp luật của nước sở tại để tránh bị các biện pháp phòng vệ thương mại. Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi sát tình hình để có những giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt:

duc-viet.jpg

Sẵn sàng giải pháp ứng phó trong mọi tình huống

Với kinh nghiệm ứng phó với các biến động trên thị trường, Tổng công ty May 10 luôn sẵn sàng các giải pháp trong mọi tình huống. Doanh nghiệp chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu để giữ vững sản xuất ngay cả khi chuỗi cung ứng có nhiều biến động. May 10 hiện có hơn 600 nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước và quốc tế. Chúng tôi đang ký kết nhiều thỏa thuận cung cấp nguồn nguyên liệu, trong đó ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa nhằm tăng tính chủ động.

Bên cạnh xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, May 10 tiếp tục mở rộng tới thị trường châu Á, Hàn Quốc, Trung Quốc. 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết là cơ hội rất tốt để ngành dệt may nói chung và May 10 nói riêng tiếp tục ổn định, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Về nội bộ, May 10 thực hiện triệt để phòng, chống lãng phí; đa dạng mặt hàng, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, từng bước vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Hà Thư ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng trước biến động chuỗi cung ứng toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.