(HNM) - Từ ngày 1-2, các trường học trên địa bàn 10 quận và 2 huyện của TP Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm theo chỉ đạo của UBND TP. Những băn khoăn ban đầu ở các nhà trường đang từng bước được giải tỏa. Ngay những ngày đầu xuân mới, lãnh đạo ngành GD-ĐT Thủ đô đã chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai hiệu quả.
Triển khai đổi giờ học thế nào cho hiệu quả đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: Internet |
Đối tượng triển khai bao gồm các trường học từ mầm non đến cao đẳng trên địa bàn, nhưng cấp học chịu ảnh hưởng nhiều nhất là mầm non, tiểu học do học sinh (HS) còn nhỏ tuổi, hầu hết phụ thuộc vào sự đưa - đón của bố mẹ và người thân. Theo quy định mới, thời gian học buổi sáng của HS các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP sẽ bắt đầu từ 8h, chiều kết thúc vào 17h. Tuy nhiên, theo chỉ đạo, các trường phải bố trí giáo viên (GV) nhận HS từ 7h30 phút sáng và trả HS đến 17h30 phút chiều.
Đây là phương án đã được xem xét, cân nhắc khá kỹ lưỡng với sự tham gia góp ý của nhiều phía, nhằm hạn chế tối đa sự xáo trộn trong sinh hoạt hằng ngày của người dân và các nhà trường. Dù vậy, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Về lâu dài, để cải thiện có hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô, ngoài việc thực hiện đổi giờ học, rất cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như tạo chuyển biến về ý thức chấp hành luật của người dân, cải thiện hạ tầng giao thông… Thực tế nhiều năm qua cho thấy, ngay cả khi toàn bộ HS, sinh viên nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết thì tình hình giao thông của Thủ đô vẫn không khá hơn. Việc đổi giờ học có thể gây khó khăn cho một số trường và một bộ phận HS nhất định, song ngành GD-ĐT quyết tâm khắc phục.
Với số lượng HS mầm non và tiểu học lên đến hơn 800 nghìn, trong đó số HS đang theo học ở 12 quận, huyện có thực hiện việc đổi giờ học chiếm tỷ lệ lớn, việc triển khai thế nào cho hiệu quả là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tế do đặc thù ngành học, nhiều năm nay, hầu hết các trường mầm non và tiểu học đã chủ động điều chỉnh thời gian đón - trả HS vào hai buổi sáng, chiều để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Việc này thường được thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường, tùy theo đặc thù công việc của từng người và hoàn cảnh thực tế của nhà trường. Tuy nhiên, việc đón sớm - trả muộn HS nay đã thành chủ trương chung áp dụng thống nhất thì phần hỗ trợ kinh phí cho GV đảm nhận công việc sẽ do ngân sách chi trả. Nếu gia đình học sinh có nhu cầu đón sớm - trả muộn hơn ngoài khung giờ quy định thì huy động sự chung tay của phụ huynh.
Với cấp học mầm non, trong điều kiện còn thiếu tới hơn 3.000 GV, nguồn tuyển lại hạn hẹp, ít người mặn mà với ngành học này do thu nhập thấp, ngành GD-ĐT đã xây dựng phương án triển khai để bảo đảm yêu cầu về định biên GV, vừa giúp các cô bảo đảm sức khỏe, tạo cơ chế khích lệ các cô gắn bó với nghề. Theo đó, mỗi cô giáo mầm non ở các trường có thực hiện việc điều chỉnh giờ học dự kiến được hỗ trợ thêm khoảng 700 nghìn đồng/người/tháng. Số tiền này sẽ tăng hoặc giảm tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu công việc từng nơi.
Một khó khăn khác cũng đã được tính đến khi điều chỉnh giờ học là khoảng thời gian tan ca buổi sáng với thời điểm bắt đầu vào học buổi chiều của HS các trường THCS quá ngắn (trước đây là khoảng từ 45 phút đến 1 giờ, tùy theo từng khu vực, thì nay chỉ còn khoảng trên dưới 30 phút). Trách nhiệm của các phòng GD-ĐT và các nhà trường hiện nay là chủ động bố trí sao cho HS thuận tiện khi tan học và vào học đúng giờ, không gây lộn xộn, cản trở giao thông phía ngoài cổng trường.
Đó là những khó khăn khó tránh khi thực hiện việc điều chỉnh giờ học, song theo khẳng định của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống thì ngành giáo dục Thủ đô đã sẵn sàng và các trường sẽ phải thực hiện nghiêm túc hai việc: thứ nhất là bảo đảm đủ thời gian quy định của 1 tiết học (35 phút - 45 phút/tiết, tùy theo cấp học), thứ hai là không cắt ngắn thời gian nghỉ giữa giờ của HS. Lãnh đạo ngành sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai ở các nhà trường trong suốt quá trình triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.