(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng các sản phẩm phòng, chống dịch của người dân tăng cao. Trước tình hình đó, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm hữu ích ứng dụng công nghệ nano để phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân.
"Vũ khí" hữu hiệu phòng, chống Covid-19
Là tác giả của nhiều sản phẩm sử dụng nano bạc, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, sử dụng nano bạc là một giải pháp khá hữu hiệu trong phòng, chống dịch bệnh. Nano bạc có khả năng kháng khuẩn mạnh, tác động ở nhiều cơ chế khác nhau, nên còn giảm độ kháng kháng sinh của vi khuẩn, kể cả nấm và vi rút. Chính vì vậy, Viện Công nghệ môi trường đã nghiên cứu đưa nano bạc vào các sản phẩm: Khẩu trang, nước rửa tay khô, nước súc miệng…
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Hoàng Văn Huấn cho biết, các loại chất sát khuẩn khác có khả năng bị kháng khi vi trùng tự biến đổi, thì nano bạc là "vũ khí" hiệu quả. Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Hoàng Văn Huấn, một số dung dịch sát khuẩn chứa chlohexidine hoặc ethanol (cồn) có hiệu quả sát khuẩn tốt, song có thể gây kích ứng, loét miệng, khô họng khi dùng lâu dài. Còn nano bạc an toàn và không gây độc tính ngay cả khi uống phải, sử dụng được cho cả trẻ em và người lớn.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung cho biết thêm, khẩu trang kháng khuẩn nano bạc của Viện Công nghệ môi trường được thiết kế gồm ba lớp, lớp quan trọng nhất là lõi khẩu trang được chế tạo bằng nano bạc và than hoạt tính để ở giữa hai lớp vải. Lõi lọc này giúp ngăn ngừa vi khuẩn, vi rút từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua mũi miệng và ngược lại, có thể tự làm sạch các vi khuẩn, vi rút bị giữ lại trên đó. Khẩu trang nano bạc có thể dùng được một năm, nhưng khi sử dụng, nên giặt khẩu trang thường xuyên. Khi giặt cần tháo lõi lọc ở giữa ra và phơi trong bóng tối để bảo đảm lõi lọc giữ được hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Lê Quang Thảo, Trưởng khoa Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương (Bộ Y tế), khác với các loại nước rửa tay khô thông thường, sử dụng gel rửa tay khô nano bạc sẽ tạo thành một lớp màng mỏng bao bọc da tay, giúp hiệu quả kháng khuẩn được kéo dài hơn, ngăn ngừa nguy cơ lây lan các loại vi khuẩn, vi rút, trong đó có vi rút SARS-CoV-2.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học của Việt Nam đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ nano phục vụ nhu cầu sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe cho người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo PGS.TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), nhiều kết quả nghiên cứu về công nghệ nano bạc của Viện Công nghệ môi trường đã được ứng dụng để tạo ra những sản phẩm hữu hiệu, như: Khẩu trang nano bạc, nước rửa tay khô, nước súc miệng nano bạc cấy trên nền sáp ong, nước xịt kháng khuẩn để chống vi rút SARS-CoV-2… Những sản phẩm này được đánh giá có hiệu quả tốt, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Tại Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, một số sản phẩm đặc chế theo công nghệ nano bạc, như: Gel rửa tay sát khuẩn, dung dịch rửa mũi - xoang, dung dịch rửa vết thương, gel chữa vết thương, dung dịch xịt khẩu trang... được Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Chương trình 2075 (Bộ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ nghiên cứu để sản phẩm được hoàn thiện và thương mại hóa rộng hơn.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ nano để cho ra những sản phẩm phục vụ đời sống xã hội còn chưa nhiều. Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Lương, Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), để rút ngắn khoảng cách giữa những nghiên cứu cơ bản với ứng dụng, việc kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học mới biết nhu cầu thực tế của người dân, đất nước. Thế nhưng, nhân lực trong ngành công nghệ nano hiện còn rất mỏng, trong khi đó nhu cầu về nhân lực lại rất lớn.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, công nghệ nano là một bước ngoặt của khoa học, kỹ thuật thế giới, có tác động lớn đến kinh tế và xã hội ở các quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ cao này, Chính phủ đã có Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục 58 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục 114 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Đặc biệt, Chương trình hành động năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, trong đó có công nghệ nano. Để thúc đẩy nghiên cứu công nghệ nano vào thực tế, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.