Nem làng Phượng (thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) là món ăn bình dị, đậm hồn quê hương để lại những dư vị đặc trưng trong lòng thực khách. Năm 2023, sản phẩm nem Phượng của Hợp tác xã nem Phượng Phương Bắc đã được UBND huyện Chương Mỹ công nhận sản phẩm OÔCP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.
Nem Phượng có nguyên liệu và gia vị đơn giản, nhưng để là người biết thưởng thức và sành ăn người ta có thể dễ dàng nhận ra Nem Phượng chính gốc gia truyền của làng làm rất khác biệt so với những nơi khác. Nguyên liệu làm nem Phượng, gồm: Thịt nạc thăn, bì lợn, gạo tẻ, gạo nếp, lá sung… qua bàn tay khéo léo của người làng đã tạo thành đặc sản ngon nức tiếng.
Là đơn vị sản xuất nem quy mô lớn ở địa phương, Giám đốc Hợp tác xã nem Phượng Phương Bắc Nguyễn Kim Hoàn cho biết: Nghề làm nem ở thôn Phượng Nghĩa có truyền thống từ rất lâu đời, song để làm ra một sản phẩm ngon, chất lượng đòi hỏi người làm nghề phải có niềm đam mê, đặc biệt là phải sản xuất hàng chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tại hợp tác xã, quy trình làm nem khá cầu kỳ. Thịt mua về được rửa sạch, ráo nước, thái theo thớ, cắt thành từng miếng nhỏ, nhúng qua nước sôi cho chín tái; lọc thịt nạc riêng, thịt mỡ riêng rồi xắt nhỏ như con chì, trộn với gia vị, muối mắm, bột ngọt cho vừa đủ đậm đà.
Công đoạn quyết định tới chất lượng nem là thính gạo. Thính làm bằng gạo tẻ hoặc gạo nếp đãi sạch, ngâm với nước ấm cho mềm, tiếp đến là rang cho đến khi hạt gạo có màu vàng đều như cánh gián thì được.
Cuối cùng, thịt nạc trộn thính gạo lần đầu sẽ được trộn cùng với bì lợn luộc chín, thái chỉ và thêm chút lá chanh sợi nhỏ cho dậy mùi. Trộn thêm ít thính làm từ đậu tương theo tỷ lệ nhất định để màu đẹp, đậm hơn so với thính gạo sẽ tạo hương vị thơm độc đáo, khi ăn không bị ngấy. Việc lựa chọn lá sung cũng phải khéo, ngon, nhất là loại bánh tẻ không dai cũng không mềm quá.
Để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho sản phẩm nem thính truyền thống làng Phượng, anh Nguyễn Kim Hoàn đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, trực tiếp đi tiếp thị đến đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, thành lập công ty, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký vệ sinh, an toàn thực phẩm, truyền dạy nghề cho lao động nông thôn. Ứng dụng công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống, như đầu tư máy hút chân không, máy đùn, máy trộn, máy đóng gói. Ngoài ra, anh còn mua thêm 1ha đất để trồng cây sung, ổn định nguồn cung lấy lá, bảo đảm cung cấp lá sung cho khoảng 3.000 quả nem 1 ngày. Nhờ đó, thương hiệu nem Phượng Phương Bắc ngày càng có vị thế trên thị trường, được khách hàng trong Nam, ngoài Bắc tin dùng.
Đặc biệt, năm 2023, sản phẩm nem Phượng Phương Bắc đã được UBND huyện Chương Mỹ cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cũng trong năm 2023, Hợp tác xã Nem Phượng Phương Bắc được công nhận là thành viên Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội... Theo ông Hà Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Châu, cùng với Hợp tác xã Nem Phượng Phương Bắc, ở thôn Phượng Nghĩa còn có khoảng 70 hộ dân duy trì nghề truyền thống. Đây là một nghề giúp cải thiện đời sống của gia đình, giúp các gia đình có thêm thu nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.