(HNMO) - Một trong những vở bi kịch sâu sắc và hay nhất của đại văn hào William Shakespeare - vở “Vua Lear”, sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc thực hiện đưa đến khán giả Việt Nam qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn tài năng Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama.
Trong lễ khởi công vở kịch ngày 20-12, tại Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc đối ngoại Sân khấu Lệ Ngọc cho biết, “Vua Lear” là tác phẩm thứ 4 được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng trong năm nay sau “Vang bóng một thời”, “Lá đơn thứ 72”, “Huyền tích chùa Một Cột”. Vở diễn do Tsuyoshi Sugiyama biên tập và đạo diễn, nghệ sĩ Văn Hải là Giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật.
Vở kịch “Vua Lear” được đại văn hào Shakespeare viết dựa trên truyền thuyết về một vị vua trong thần thoại. Tác phẩm thể hiện câu chuyện của vua Lear - vua nước Anh, sau khi chia vương quốc của mình cho hai trong số ba người con gái, dựa trên những lời khen của các con dành cho mình. Điều này tạo nên kết cục bi thảm cho tất cả các nhân vật. Tác phẩm đã được dàn dựng tại nhiều sân khấu lớn trên thế giới và chuyển thể sang điện ảnh.
Nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất, Chỉ đạo nghệ thuật đồng thời là diễn viên chính của vở diễn chia sẻ, quyết định dàn dựng tác phẩm kinh điển này không chỉ xuất phát từ sự ấp ủ của cá nhân ông, mà Sân khấu Lệ Ngọc muốn dấn thân, đối mặt với những thách thức, đưa những tác phẩm lớn, kinh điển thế giới đến khán giả Việt Nam. Tuy được ra đời từ hơn 400 năm, nhưng những câu chuyện, tình huống, vấn đề cốt lõi trong tác phẩm vẫn thời sự, tương đồng với cuộc sống hôm nay.
Tác phẩm này cũng là lần đầu tiên Sân khấu Lệ Ngọc mời đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama - người ghi dấu ấn với vở “Cậu Vanya”, “Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi trẻ - với mong muốn tạo nên một tác phẩm chất lượng, giàu sáng tạo dành cho khán giả.
Về việc dàn dựng vở diễn, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết, vở diễn đầy đủ dài 4 giờ, nhưng để phù hợp với công chúng hiện nay, ông đã biên tập còn khoảng gần 2 giờ. Những chi tiết, tình huống quan trọng, cốt lõi trong tác phẩm vẫn được giữ nguyên. Đạo diễn sẽ có những thủ pháp sáng tạo để khán giả hôm nay cảm nhận được câu chuyện ra đời cách đây nhiều thế kỷ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.