(HNM) - Là nơi ghi dấu chiến công hào hùng của quân và dân Phú Yên, nhưng di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An đang bị "gặm nhấm" bởi sự "bùng nổ" của cây sắn do người dân trồng tự phát và tác động tiêu cực của thời tiết. Về lâu dài, địa đạo này có nguy cơ bị "xóa sổ", đi vào dĩ vãng nếu không được trùng tu, bảo vệ kịp thời.
Sắn trùm địa đạo
Được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ tháng 2-2009, Địa đạo Gò Thì Thùng dài gần 2km, độ sâu trung bình 5m, rộng 0,8m, cao từ 1,6-1,8m. Có hơn 10.000m giao thông hào chằng chịt, sâu 1,5m, rộng 0,8m. Di tích gồm hai khu vực, rộng gần 27ha, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Thành. Ông Phạm Văn Dư sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Thành, đã từng tham gia lực lượng du kích địa phương trong chiến tranh lo lắng: "Năm 1970, địa đạo còn nguyên hệ thống giao thông hào. Nay thì gần như bị vùi lấp để trồng sắn và hoa màu. Nếu không được trùng tu kịp thời, mai này di tích sẽ không còn".
Một miệng hầm địa đạo Gò Thì Thùng bị sụt lún. Ảnh: Lê Biết |
Theo người dân địa phương, trước kia nơi đây từng là đồi sim và cây rừng rậm rạp, sau đó một phần diện tích được người dân trồng dứa. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước được triển khai trồng rừng bạch đàn theo dự án Quỹ Lương thực thế giới hỗ trợ nông dân nghèo (PAM). Nhưng do đất xấu và thời tiết khắc nghiệt, nên rừng mọc thưa thớt. Từ năm 2010 đến nay, do giá nông sản tăng đột biến, người dân cày xới di tích để trồng sắn, khiến nhiều miệng hầm bị bồi lấp gần như hoàn toàn.
Xã An Xuân có 614 hộ, nhưng có đến hơn 300 hộ nghèo và cận nghèo; tổng diện tích gieo trồng hàng năm hơn 560ha, trong đó sắn và mía chiếm trên 370ha. Năm 2011 cây sắn tăng 5ha (chủ yếu ở khu vực Gò Thì Thùng, thuộc thôn Xuân Thành và Xuân Trung); mía tăng 20ha so với năm 2010. Ông Nguyễn Phúc Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân cho biết: "Toàn xã có đến 60-70% số hộ thiếu đất sản xuất, phần lớn là do tách hộ".
Theo Chủ tịch UBND xã An Xuân Trần Quang Minh, hiện có khoảng 10ha sắn đã được trồng xung quanh khu vực di tích, trong đó có ít nhất 5 hộ trồng ngay trên địa đạo với diện tích từ 2-3ha. Mới đây, địa phương đã mời 20 hộ liên quan ký cam kết trong mùa mưa năm nay phải trồng lại rừng chống xói mòn để bảo vệ di tích.
Hiện nay, toàn bộ khu di tích đã bị "nông nghiệp hóa". Dấu tích địa đạo Gò Thì Thùng bị bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của sắn. Điều đáng nói là đã hơn hai năm, kể từ khi di tích được công nhận cho đến nay, địa đạo nằm kề trung tâm xã, nhưng gần như bị lãng quên. Nhiều miệng hầm, ngách thông lên mặt đất bị lấp, hệ thống giao thông hào đang mất dần dấu tích. Ông Trần Quang Minh cho biết: "Do chưa được trùng tu, cắm mốc bảo vệ, nên di tích ngày càng xuống cấp. Chúng tôi chỉ còn cách vận động bà con không sản xuất nông nghiệp trong khu vực này và chung tay bảo vệ di tích. Thật xấu hổ mỗi khi có đoàn đến thăm, mà di tích lại bị biến dạng quá nhiều so với hiện trạng ban đầu. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Ông Minh cho biết thêm, nếu được trùng tu, khoanh vùng bảo vệ, di tích sẽ được khôi phục như hiện trạng ban đầu, kể cả rừng sim và cây rừng.
Bảo vệ di tích khi chưa quá muộn
Theo Phòng TN-MT huyện Tuy An, do hiệu quả trồng rừng theo dự án PAM thấp, nên nhiều hộ đã tự chặt phá rừng chuyển qua trồng cây ngắn ngày, dẫn đến các cửa hầm bị xâm hại và có nguy cơ sạt lở.
Gò Thì Thùng là vị trí chiến lược trong phòng thủ, là nơi gắn với nhiều chiến tích oanh liệt của quân, dân Phú Yên, có vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ xung yếu, bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm và đa dạng sinh học. Vì vậy, nếu không được quan tâm kịp thời, sẽ tác động tiêu cực đến việc bảo vệ, gìn giữ giá trị lịch sử, sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Để bảo vệ di tích lịch sử khi chưa được trùng tu, UBND huyện Tuy An cần tích cực chỉ đạo xã An Xuân tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng đất trong khu vực và bản đồ khoanh vùng; phối hợp với các ngành liên quan sớm có quy hoạch tổng thể khu vực Gò Thì Thùng theo hướng ưu tiên trồng rừng phòng hộ xung yếu; gắn việc bảo vệ với xây dựng các công trình văn hóa, thể thao và du lịch; sớm triển khai cắm mốc thực địa và công bố bản đồ quy hoạch di tích; điều tra, khảo sát toàn bộ hệ thống địa đạo để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, quản lý theo Luật Di sản…
Theo UBND huyện Tuy An, khó khăn nhất hiện nay là không ít diện tích nằm trong khu vực Gò Thì Thùng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, để công tác trùng tu, bảo vệ được thuận lợi, các ngành chức năng của tỉnh sớm tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp thu hồi đất, đền bù theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.