Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi cho thiếu nhi - đến hè lại “nóng”!

Nguyễn Ngọc Hải| 08/06/2013 06:51

(HNM) - Con đường từ trung tâm Hà Nội về Vật Lại - xã nghèo của huyện Ba Vì - giờ đã dễ đi hơn, diện mạo xã cũng đã thay đổi nhiều. Thế nhưng những ngày đầu tháng 6, Vật Lại vẫn ảm đạm...


Ai cũng biết, việc thiếu sân chơi sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, thiếu sân chơi lành mạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ các em tiếp cận với các văn hóa phẩm có nội dung xấu, nhất là đối với các gia đình quản lý con em lỏng lẻo.

Ảm đạm xã nghèo

Về Vật Lại, chúng tôi cứ trăn trở mãi lời của ông Chu Danh Báu, Chủ tịch UBND xã: "Vật Lại nghèo lắm! Ở cái xã bán sơn địa này, thu nhập của người dân chỉ trông chờ vào cây lúa, khóm sắn và đi làm thuê ở nơi khác. Và cũng oái oăm, đất ở Vật Lại không bờ xôi, ruộng mật như nhiều nơi nên năng suất cây trồng chẳng đáng là bao. Nghèo và lạc hậu, nhiều bậc phụ huynh lo miếng ăn cho con còn khó, nói gì đến chuyện chơi của lũ trẻ…".

Thiếu nơi vui chơi, trẻ lấy vỉa hè làm sân bóng. Ảnh: Nguyệt Ánh



Dù đã khá hơn nhiều so với dăm bảy năm trước, giờ đây thu nhập bình quân đầu người của xã Vật Lại cũng chỉ đạt khoảng 13 triệu đồng/năm. Theo thống kê của vị cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH, xã có đến 194 hộ nghèo. Và thế là những nỗi niềm của người Vật Lại đâu đó vẫn hiển hiện. Trong ngôi nhà ba gian tuềnh toàng ở xóm Lọc, bà Phùng Thị Thắm thở dài thườn thượt: "Ôi dào, biết cho chúng chơi gì hả anh. Nhà nghèo, bố mẹ nó phải đi làm thuê kiếm kế sinh nhai. Đứa thì vào tận TP Hồ Chí Minh, đứa thì ra làm thuê ở Hà Nội. Hè đến, ban ngày bọn trẻ phụ giúp ông bà việc đồng áng, lợn gà, tối đến thì túm năm, tụm ba đầu xóm". Trong câu chuyện, bà Thắm thoáng buồn nói rằng: "Mỗi đận hè đến, cũng có nhà dành tiền cho con đi thành phố chơi, hết Công viên Thủ Lệ, rồi Công viên Nước. Thế nhưng mấy đứa được như thế". Những đứa như cháu bà cùng lắm cũng chỉ đánh khăng, đánh đáo ở đường làng rồi thả diều với những ước mơ trên trời chứ biết đi đâu. Chơi chán, chúng lại mò ra hồ, ra ao mà bơi, mà lội.

Nghe bà Thắm nói, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mặc dù Hà Nội có đến 2.200 điểm vui chơi công cộng cho thiếu nhi, trong đó có tới 1.700 điểm vui chơi ở xã, phường nhưng điểm lại ở xã nghèo Vật Lại, có lẽ cái mà nhiều người gọi là điểm vui chơi công cộng cũng chỉ là nhà văn hóa thôn. Ở đó, thông thường chỉ được mở cửa, sáng đèn vào mỗi tối cho trẻ em tham gia sinh hoạt hè. Theo một cán bộ đoàn xã, duy trì được hoạt động của nhà văn hóa để thanh thiếu nhi trong xã, trong thôn tham gia đã là tốt lắm rồi. Đa số gia đình các em làm nông nghiệp, ngoài thời gian tham gia giúp gia đình thì các em cũng tranh thủ nghỉ ngơi. Thế là mỗi tối nhà văn hóa thôn sáng đèn, cũng chỉ chừng hai, ba mươi em tham gia sinh hoạt hè với các trò như tập nghi thức đội, hát múa hoặc một số trò chơi dân gian khác. Điều này chỉ mang tính chất khơi dậy phong trào đối với một số đội viên, đoàn viên tích cực chứ chưa thể là một sân chơi lý thú cho trẻ em. Muốn thu hút trẻ em, tạo một sân chơi thực sự, rất cần sự đầu tư đồng bộ để có nhà văn hóa đầy đủ công năng và các môn thể thao như cầu lông, cờ vua, cờ tướng, bơi lội, bóng đá…

Nói thì nói thế thôi, hoàn cảnh chị Phùng Thị Thơm lại khác. Nhà chị Thơm thật éo le. Sinh được hai cháu thì cháu lớn bị bại não, chỉ ăn và nằm, cháu bé dù đã 12 tuổi nhưng vóc dáng chỉ như đứa trẻ lên 8. Nhà có 2 sào ruộng, chị ở nhà quay quắt với ruộng đồng, còn anh thì ai thuê gì làm đấy. Vừa làm ruộng, vừa chăm con để chồng đi làm thuê mà vẫn chưa đủ ăn. Giờ tiền ăn, tiền học cho con còn không đủ, lấy gì cho con vui chơi. Muốn vào điểm vui chơi công cộng, ngoài vé vào cửa, mỗi trò chơi lại tốn thêm mươi, mười lăm nghìn, chị biết lấy đâu ra.

Làm gì để trẻ em có sân chơi?

Người dân Vật Lại than phiền về thiếu sân chơi cho trẻ và chúng tôi hiểu không riêng gì Vật Lại mà hàng trăm xã, phường khác của Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), khẳng định, hiện tại sân chơi dành cho trẻ em đang thiếu trầm trọng. Tại khu vực nông thôn và miền núi, các em phải vất vả mưu sinh, giúp việc gia đình từ chăn trâu, cắt cỏ đến những công việc đồng áng. Các trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh đáo, thả diều không còn hấp dẫn các em như trước. Còn ở thành thị, chỉ có một số ít nhà văn hóa thiếu nhi các em có thể vào chơi. Các bể bơi, bảo tàng thì bán vé với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn mỗi lượt chơi nên không phải em nào cũng có điều kiện vào được. Nhiều em phải ở nhà, hoặc chơi dưới lòng, lề đường dẫn tới nguy cơ tai nạn gây thương tích. Trong khi đó, có nhiều nhà văn hóa, cung thiếu nhi còn tận dụng cả không gian của các cháu để cho thuê với mục đích kinh doanh. Và chính điều này đã vô tình đẩy các em vào các trò chơi mạo hiểm, ở những nơi nguy hiểm như ao hồ, sông suối, công trình xây dựng… khiến hằng năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em chết vì tai nạn thương tích, trong đó gần 4.000 trường hợp bị đuối nước. Thống kê số vụ tai nạn thương tích của trẻ em theo mùa thì mùa hè luôn cao gấp 1,5 lần so với các mùa khác trong năm.

Nhằm bảo vệ và chăm sóc thế hệ trẻ, từ năm 2010, Chính phủ đã có Quyết định số 37 quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Theo đó, để đạt chuẩn, mỗi xã, phường phải đạt 25 tiêu chí, trong đó có tiêu chí xây dựng sân chơi cho trẻ em. Theo ông Nguyễn Hải Hữu, hiện nay khoảng 80% số xã, phường trên toàn quốc có sân chơi cho trẻ em song vấn đề mấu chốt là cách khai thác, sử dụng của địa phương đó như thế nào. Còn theo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 thì mục tiêu đã được đặt ra: Đến năm 2020, có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em… Điều đó cho thấy, các chương trình hành động, các văn bản thể hiện quyết tâm vì trẻ em không hề thiếu.

Bài ca muôn thuở mà các địa phương viện lý do bao giờ cũng là "thiếu diện tích, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh phí hoạt động". Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, giám đốc một đơn vị hiện đang kinh doanh khu vui chơi, giải trí cho biết: "Các trung tâm thị xã hoặc quận, huyện, nếu có khoảng 1.500m2 đất và vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng thì có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vui chơi của trẻ em trong vùng. Nếu khai thác tốt, mỗi năm lợi nhuận khu vui chơi giải trí đó có thể đem lại từ 60% đến 70% số vốn đầu tư ban đầu".

Ai cũng biết, việc thiếu sân chơi sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Thiếu hoạt động thể lực dẫn tới thể lực kém. Thiếu hoạt động thư giãn hợp lứa tuổi khiến các em mất đi tính hồn nhiên. Ngoài ra, thiếu sân chơi lành mạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ các em dễ tiếp cận với các văn hóa phẩm có nội dung xấu, nhất là đối với các gia đình quản lý con em lỏng lẻo. Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng sân chơi cho trẻ em xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội, nếu không thì...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi cho thiếu nhi - đến hè lại “nóng”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.