Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sách tương tác - cơ hội “chơi mà học”

Hạ Yến| 22/02/2020 13:20

(HNMCT) - Những ngày này, khi học sinh các cấp đang tiếp tục nghỉ học để bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19, nhiều phụ huynh nghĩ cách cho con học mà chơi - chơi mà học mỗi ngày. Sách tương tác đang là một trong những “giải pháp” được các ông bố bà mẹ lưu tâm khi dòng sách này đang ngày một hấp dẫn hơn với nhiều lựa chọn dành cho trẻ em.

Những hình thức tương tác hấp dẫn khiến sách trở thành “đồ chơi tri thức” giúp kích thích sự phát triển toàn diện giác quan ở trẻ.

Lợi ích của việc cho trẻ tiếp cận sớm với sách đã được khẳng định từ lâu, song hiệu quả thực tế không dễ dàng mà có được. So với các phương tiện giải trí, nghe nhìn hay các loại đồ chơi, rõ ràng sách không phải là thứ “bắt mắt” và cuốn hút trẻ em nhất. Dù hình vẽ đẹp đến đâu, độ hứng thú, sự tập trung đối với sách truyện của đa số trẻ em thường không bằng các hình thức chơi, xem sinh động khác. Trong bối cảnh đó, sách tương tác dành cho trẻ em ra đời đã khắc phục hạn chế của sách truyền thống, giúp trẻ vượt qua giới hạn của việc đọc - kể - nghe thông thường. Việc thiết kế trang sách được bồi nhiều lớp giấy dày dặn giúp trẻ em thoải mái “sờ - chạm - chơi”, rút kéo, lật mở, tháo lắp, xếp hình, bóc dán... Sách chiếu bóng, sách 3D hay sách có âm thanh mô phỏng tiếng còi xe, tiếng vỗ tay, gõ cửa..., những hình thức tương tác hấp dẫn khiến sách trở thành “đồ chơi tri thức” giúp kích thích sự phát triển toàn diện giác quan ở trẻ, khơi dậy niềm đam mê khám phá sách và sự hấp dẫn của việc “đọc”.

Khoảng chục năm về trước, sách tương tác bắt đầu gây được ấn tượng mạnh với độc giả nhí ở Việt Nam. Bộ sách 4 cuốn gồm Đoán xem tôi là ai?, Bữa trưa có món gì nào?, Ai sống ở đây?, Mẹ là ai? Con là ai? của NXB Kim Đồng như một “làn gió mới” thổi vào thị trường sách thiếu nhi, dù rằng khi đó loại sách này vẫn còn khá “sơ khai”. Thường mỗi cuốn chỉ chưa đầy chục trang nhưng các trang được bồi nhiều lớp để tạo độ cứng, dày dặn, không dễ bị bong tróc, quăn mép hay rách, sách giúp trẻ em có thể tương tác bằng cách dễ dàng tự khám phá, mày mò lật mở ra xem. Như những người làm sách đã nói thì dù mức độ tương tác mới dừng lại ở đó, song qua những đổi mới này cũng thấy được hiệu quả nhất định mà loại sách thú vị kể trên mang đến cho trẻ.

Cho đến nay, hệ thống sách tương tác cho trẻ em được giới thiệu ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kích thích trẻ tư duy, khám phá. Chị Đường Thị Huyền (khu chung cư VOV Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị rất thích bộ sách đa tương tác Oxford. Với bộ sách này, trẻ không đọc sách đơn thuần mà còn “sắm vai” các loài vật xuất hiện trong sách bằng cách giả tiếng kêu chít chít của chuột, tiếng gầm của sư tử..., rồi vẽ đường, gấp thuyền để giúp các nhân vật trong sách thoát khỏi mê cung. Sự hấp dẫn của việc được sờ - chạm - chơi với sách đã khiến sách tương tác dù được bán với giá không hề rẻ nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Chẳng hạn như bộ sách đa tương tác gồm 5 cuốn của Đinh Tị Books, mỗi cuốn có giá bán hơn 3 trăm nghìn đồng nhưng vẫn được nhận xét là “đáng giá” bởi trong đó có gần 60 chi tiết có thể chuyển động. Các độc giả nhí, bởi thế, không chỉ xem sách mà còn được tự tay thực hiện các thao tác thú vị như quay cánh quạt trực thăng, bắc thang, mở cửa sổ kéo xe chạy trên đường ray... Việc “đọc” trở nên thú vị, cuốn hút hơn trước rất nhiều.

Song, dù sách tương tác đang có sự phát triển khá mạnh mẽ, vẫn không thể phủ nhận một điều rằng sách truyện nói chung vẫn đang bị nhiều “kênh” giải trí khác lấn át. Như một sự “thỏa hiệp” với nhu cầu đọc sách thực tế hiện nay của trẻ em, mới đây, Nhã Nam Books đã giới thiệu bộ sách Bách khoa thư thực tế ảo tăng cường, mang đến những trải nghiệm khác biệt cho người đọc.

Thực tế ảo tăng cường AR đang là một trong những thành quả nghiên cứu công nghệ được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Với ngành Xuất bản, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường khiến sách có thể cung cấp nhiều thông tin hơn, đa dạng và hấp dẫn hơn. Hai cuốn sách Khủng long 3D trong bộ sách Bách khoa thư thực tế ảo tăng cường thoạt nhìn như những cuốn sách thông thường khác, tuy nhiên, sau khi quét mã sách và sử dụng thiết bị đọc, những tính năng của sách khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Nhờ những tính năng thông minh đó, bạn đọc có thể  làm rõ, bổ sung thông tin, thậm chí “ra lệnh” cho nhân vật khủng long bước ra khỏi sách, khiến chúng cử động và tạo ra âm thanh như trong đời thực.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, “đây chỉ là giá trị cộng thêm để khuyến khích trẻ đọc sách nhiều hơn”. Thực chất, nếu không sử dụng công nghệ, đó vẫn là những cuốn sách in màu đẹp đẽ như vô vàn cuốn sách khác đang có mặt trên thị trường.

Xét cho cùng, sách tương tác dù hấp dẫn đến đâu thì vẫn cần có người cùng đọc, cùng chơi với trẻ. Theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, nội dung tương tác tốt nhất mà trẻ có được phụ thuộc vào sự quan tâm, cách hướng dẫn của cha mẹ. Sách tương tác chỉ góp phần kích thích trẻ tìm tòi, khám phá và sáng tạo chứ không thể thay thế vai trò của phụ huynh trong việc chơi với trẻ, hướng dẫn trẻ. Việc cha mẹ sớm cho con tiếp xúc với sách, cùng đọc sách với con sẽ góp phần nuôi dưỡng thói quen và niềm yêu thích sách ở trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách tương tác - cơ hội “chơi mà học”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.