(HNM) - Sinh năm 1981, Nguyễn Thị Ngọc Minh đang là giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tươi trẻ và mạnh mẽ, Ngọc Minh nuôi mục tiêu góp phần tạo nên một cộng đồng đọc sách thông minh, có kỹ năng đọc hiệu quả.
Ảnh: Tiếp thị gia đình. |
Giải mã hiện tượng "có sách mà không đọc"
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Ngọc Minh cho biết: "Thực ra, từ năm 2008, tôi bắt đầu quan tâm tới việc làm thế nào để trẻ con thích đọc sách hơn. Tôi đã tìm hiểu kỹ về thực tiễn trong nước, tham khảo nhiều tài liệu, mô hình của nước ngoài và đã trực tiếp hướng dẫn một số nhóm trẻ em cách đọc sách hiệu quả, đồng thời tư vấn cho phụ huynh về lợi ích của việc đọc, cách để có thể đồng hành cùng con trong đọc sách nói riêng và học tập nói chung. Lúc đó, tôi làm việc này vì rất yêu thích sách, yêu con trẻ và nhận được sự động viên, giúp đỡ rất lớn từ phía phụ huynh và học sinh".
Từ những nỗ lực ban đầu ấy, mạng lưới trẻ thích đọc sách và phụ huynh quan tâm đến việc đọc sách của con ngày càng mở rộng. Cho đến năm 2015, Ngọc Minh bắt đầu thực hiện ý tưởng kết nối tất cả những công việc đó lại thành hệ thống thông qua dự án "Sách ơi mở ra". Cô tâm sự: "Đối tượng mà tôi tập trung hướng tới đầu tiên là trẻ em ở Hà Nội bởi vì đối tượng này gần với tôi nhất, các con tôi cũng là một phần trong cộng đồng đó. Vấn đề chính của trẻ em Hà Nội không phải là thiếu sách, mà là có sách mà không đọc. Một trong những lý do rất quan trọng khiến cho trẻ không đọc là thiếu kỹ năng đọc, điều này khiến cho việc đọc trở nên khó khăn hoặc không đạt hiệu quả tối ưu".
Từ đó, Ngọc Minh bắt tay vào xây dựng một chương trình bài bản từ mầm non cho đến hết lớp 9, tập trung vào rèn luyện kỹ năng đọc cho trẻ. Khi tham gia các lớp học kỹ năng đọc sách, ngoài việc được đọc rất nhiều sách, được hướng dẫn từng thao tác của việc đọc, các em nhỏ còn được tự đứng ra tổ chức các hoạt động nhằm làm lan tỏa giá trị của sách trong cộng đồng, tham gia các hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những bạn nhỏ khó khăn hơn có cơ hội đọc sách, đồng thời tham gia những hoạt động trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng, di tích văn hóa với sự hướng dẫn của những người giỏi chuyên môn nhằm tạo cảm hứng, động lực đọc sách về văn hóa, lịch sử dân tộc.
Ngọc Minh là người nghĩ ra ý tưởng và là người điều hành chung của dự án. Nhưng, như cô chia sẻ, những gì mà "Sách ơi mở ra" làm được là do công sức đóng góp của những cộng sự vô cùng tâm huyết.
Những con số ấn tượng
Sau hơn 1 năm rưỡi hoạt động, "Sách ơi mở ra" đã có hơn 500 học sinh tham gia các CLB kỹ năng đọc sách, tổ chức được gần 60 sự kiện về văn hóa đọc, xây dựng được 2 thư viện "Sách ơi mở ra" mở cửa miễn phí cho trẻ em Hà Nội với 400 thành viên thường xuyên tới đọc và mượn sách, xây dựng được 3 tủ sách dành cho trẻ em ở Văn Bán và Cẩm Khê (Phú Thọ), Chương Mỹ (Hà Nội), tập huấn cho gần 1.000 giáo viên, cán bộ thư viện, cán bộ phòng giáo dục thuộc các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Giang, Hậu Giang, Kiên Giang về việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tập huấn cho hơn 100 cán bộ thư viện toàn quốc về mô hình thư viện công cộng dành cho thiếu nhi... Các sự kiện cộng đồng trong khuôn khổ dự án thu hút hàng nghìn người tham gia...
Cô giáo Ngọc Minh không giấu nổi niềm vui vì có thể "đóng góp một phần nhỏ bé vào việc thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng". Nhưng, điều làm cho những người thực hiện dự án cảm thấy vui mừng nhất chính là sự thay đổi tích cực từ phía trẻ em. Trước khi tham gia các CLB đọc sách, các em rất sợ đọc, sợ phải thuyết trình trước đám đông, khả năng viết rất hạn chế, nhưng sau một thời gian tham gia CLB, các em thích đọc sách hơn, hiểu biết hơn, hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên tự tin hơn khi đứng trước đám đông, kết quả học tập tốt hơn.
Dự án góp phần giúp các em trưởng thành trong cách ứng xử và hòa nhập với cộng đồng. Nhiều em, sau một thời gian dài tham gia các CLB đọc sách, đã quay trở lại làm trợ giảng cho các lớp học, là tình nguyện viên cho các sự kiện cộng đồng. Đó chính là những phần thưởng vô cùng giá trị cho hành trình khuyến đọc của dự án "Sách ơi mở ra"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.