(HNMO) - Thật đáng buồn khi quay trở lại một trong những tuyến đường xe thu gom vừa chạy qua chưa được 15 phút, phóng viên lại chứng kiến rác thải đã xuất hiện trên đường...
Chủ trương thu gom mới hướng tới việc xóa bỏ điểm cẩu rác tập trung, hạn chế đáng kể việc thu gom bằng xe đẩy tay, tăng năng suất, hiệu quả lao động; góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh. Qua đó nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và văn minh đô thị.
Kiểm tra lại lộ trình di chuyển trước giờ vào ca.
Tuy nhiên sau một vài tháng triển khai, có thể khẳng định rằng những nỗ lực từ phía các đơn vị môi trường dù lớn đến đâu vẫn cần có sự đồng hành, chia sẻ từ phía người dân để có được hiệu quả như mong đợi.
Giữ gìn sạch sẽ mỗi con đường, góc phố là giữ gìn sức khoẻ cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi người thân và cho chính các thế hệ tương lai.
Anh Nguyễn Văn Luyện, công nhân môi trường đã gắn bó hơn 30 năm với sự nghiệp gìn giữ cảnh quan, vẻ đẹp cho Thủ đô cho biết từ khi được triển khai thí điểm, chủ trương mới của Thành phố rất được người dân đồng tình ủng hộ và đa số tuân thủ rất tốt các quy định về gom rác môi trường.
Những đổi mới về cách thức thu gom, vận chuyển rác trên các tuyến phố đã khẳng định hiệu quả bước đầu.
Thật khó để có thể hình dung hết những thứ mà người dân quẳng vào thùng rác! Sự lộn xộn và đa dạng khiến việc thu gom, phân loại và chuyên chở thường xuyên gặp khó.
Việc đóng gói rác trước khi đưa tới những điểm tập kết hoặc giao cho xe thu gom sẽ giúp rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả các chuyến đi trong việc duy trì vệ sinh chung.
Tại quận Đống Đa, tổ xe số 4 được trang bị bốn xe thu gom rác. Các công nhân chia làm hai ca sáng chiều di chuyển theo lộ trình định sẵn. Trong đó, ca sáng từ 9h đến 11h30 và chiều là từ 13h đến 16h.
Trao đổi với phóng viên HNMO, anh Trần Sy Quân chia sẻ dù theo quy định là phải tới 19h hàng ngày, người dân mới tập kết rác tới các điểm quy định theo kẻng. Tuy nhiên trên các tuyến phố chính hầu như hàng quán vẫn xả rác ra đường trong suốt cả ngày rất mất mỹ quan và mất vệ sinh.
Về lâu dài, xe cơ giới sẽ có thể thực hiện được cả công tác thu gom cũng như hút rác và được chia làm 3 cấp độ to, trung bình và nhỏ nhằm phù hợp với các tuyến phố, ngõ, xóm.
Lượng rác được những người thiếu ý thức vứt bừa ngay lòng đường, vỉa hè nhiều tới mức chiếc xe chuyên dụng đã phải quay về nhiều lần do đầy ứ.
Với nhiều loại rác có kích thước lớn, như chiếc bàn mà một hộ dân thải ra này, lực lượng thu gom phải mất nhiều thời gian để tháo dỡ trước khi cho lên xe nhằm tiết kiệm không gian và tránh nguy hiểm cho người đi đường.
Sử dụng gậy để chọc khơi rác xốp nhằm tăng sức chứa cho thùng rác trên phố. Thực tế cho thấy nhiều loại rác như hộp đựng, xốp, đồ gỗ nhỏ, vỏ lon... đều nên được đập nhỏ trước khi cho vào thùng để tiết kiệm thể tích chiếm dụng.
Dưới ánh nắng gay gắt của trưa hè, các tổ thu gom vẫn miệt mài trên những tuyến đường.
Nở nụ cười đầy lạc quan, anh Luyện cho biết những người gắn bó, yêu nghề, mong muốn sự sạch đẹp cho hè phố Hà Nội là không ít. Tuy nhiên trong những năm gần đây khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, thì nhiều người có xu hướng chọn những nghề khác tốt hơn.
Theo các tổ công tác, ở nhiều điểm trên địa bàn quận - như khu vực cầu Đông Tác, rất nhiều xe ben, cửu vạn thường xuyên đổ trộm vật liệu xây dựng. Dù ngày nào tổ chuyên trách đất cát cũng tiến hành xúc nhưng không xuể. Bản thân thân lực lượng thu gom đã phải tăng ca, tăng chuyến để đảm bảo công tác giữ gìn vệ sinh.
"Không hiếm trường hợp xe chở VLXD đi dọc đường, hễ thấy chỗ nào trống là họ lại đổ trộm một ít" - anh Luyện bức xúc. Anh cũng cho biết một bộ phận người dân mới về sinh sống trên địa bàn cũng đổ trộm rác thải ra đường khá nhiều.
Được biết, hàng ngày thay vì tập trung tới việc đảm bảo mỹ quan đô thị, những xe thu gom trong ngày thường xuyên bị quá tải và phải quay về điểm trung chuyển rác ở 75 phố Chùa Láng.
Có lẽ công tác tuyên truyền cần đi sâu, đi sát tới mỗi người dân hơn để họ có thể ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trước việc gìn giữ vệ sinh, cảnh quan môi trường chung.
"Một thực tế thú vị là nhiều người dù rất có ý thức giữ gìn vệ sinh trước cửa nhà họ ở nhưng điểm kinh doanh mà họ thuê ở chỗ khác lại không được như vậy" - một công nhân cho biết.
Do đặc thù địa bàn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy qua, việc thu gom rác tại quận Đống Đa cũng chịu nhiều sức ép từ rác thải tại các khu vực có công trường thi công.
Anh Luyện cho biết kể từ khi việc thi công đường sắt được tiến hành, do khoảng trống phía dưới những nơi có đường sắt chạy qua rất lớn khiến một số điểu bất đắc dĩ trở thành điểm tập kết rác - rất nhiều trường hợp là từ các quán ăn, hộ kinh doanh, quán nước/quán cóc vỉa hè.
Chị Tô Thị Hoa, công nhân môi trường khu vực Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, cho biết từ ngày chủ trương mới được triển khai tại địa bàn do chị phụ trách, dường như lượng rác thải ven đường tăng lên so với trước đây một phần do nhiều người dân có xu hướng "ỷ lại" vào xe thu gom rác.
Chị Hoa cho biết việc xe thu gom đến "tận cửa" nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh ở mặt đường khiến một số người hiểm lầm rằng chủ trương mới đồng nghĩa với việc họ chỉ việc "quẳng" rác ra trước cửa là sẽ có người đi gom thay vì phải đưa tới các điểm tập kết hay chờ kẻng từ xe đẩy tay như trước kia.
Theo quan sát của phóng viên, những trường hợp chủ động đóng gói rác, mang tới xe và hỗ trợ công nhân môi trường trong công tác thu gom như thế này là rất hiếm hoi - mặc dù việc này sẽ giúp công tác giữ gìn vệ sinh chung đạt hiệu quả cao hơn đồng thời giảm gánh nặng cho lực lượng thu gom, giúp họ có thể dành thêm thời gian cho việc thu dọn hè phố, đảm bảo cảnh quan đô thị.
Quay trở lại một trong những tuyến đường xe thu gom vừa chạy qua chưa được 15 phút, phóng viên lại chứng kiến rác thải tiếp tục có mặt trên đường - dù mới chỉ đầu giờ chiều. Điều này rõ ràng khiến những nỗ lực của cơ quan môi trường trở thành "công dã tràng" còn đường phố - chính nơi mà mỗi người trong chúng ta sinh sống, đi lại thì ngày càng nhếch nhác hơn.
Hãy chung tay góp phần để Thủ đô, mái nhà thân thương, niềm tự hào của mỗi chúng ta ngày càng xanh-sạch và đẹp hơn. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo môi trường sống, sức khoẻ cho mỗi người dân mà còn giúp Hà Nội đẹp hơn trong mắt bè bạn quốc tế, xứng đáng là thành phố ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.