Cuốn “Atlat địa lý Việt Nam” - tài liệu sử dụng trong các trường phổ thông - năm 2004 được Cty Bản đồ - Tranh ảnh giáo khoa tiến hành chỉnh lý lần đầu và tái bản lần thứ 8. Chỉ 1 năm sau, tháng 6-2005, cuốn sách được tái bản lần thứ 9 nhưng theo một số chuyên gia, cuốn sách có quá nhiều sai sót rất vô lý và nên thu hồi …
Cuốn “Atlat địa lý Việt Nam” - tài liệu sử dụng trong các trường phổ thông - được xuất bản lần đầu vào năm 1992. Đến năm 2004, Cty Bản đồ - Tranh ảnh giáo khoa tiến hành chỉnh lý lần đầu và tái bản lần thứ 8. Chỉ 1 năm sau, tháng 6-2005, cuốn sách được tái bản lần thứ 9 nhưng theo một số chuyên gia, cuốn sách có quá nhiều sai sót rất vô lý và nên thu hồi …
"Sạn" nhiều... vô kể!
Ông Trần Trọng Hà, nguyên chuyên viên cao cấp Vụ THPT, Bộ GD-ĐT, uỷ viên Hội đồng Thẩm định SGK mới môn Địa lý cho biết, “Atlat địa lý Việt Nam” là tài liệu học tập của HS. Trong các kỳ thi tốt nghiệp có môn địa lý, đây là tài liệu được phép mang vào phòng thi, HS sẽ dựa vào đó để làm bài. Có cuốn sách này trong tay, HS gần như không phải học số liệu, cây, con, nhà máy… Khi mua cuốn sách được coi như một cuốn sách giáo khoa, HS dùng tối thiểu cũng phải 2 năm (lớp 7 dùng phần tự nhiên, lớp 9 dùng phần kinh tế).
Nhưng thực tế, ở lần tái bản thứ 9, cuốn sách đã “để lộ” cách làm việc vô nguyên tắc khi có tới trên 30 số liệu của năm 2000 vừa công bố trong lần tái bản thứ 8 bị “chữa” lại. Một số thí dụ cụ thể, phần diện tích cây công nghiệp (trang 14) cả 6 cột đều chữa lại; Dân cư (trang 11) 80,7% ở lần 8 được chữa thành 80,9% ở lần 9; Phân loại giá trị sản xuất công nghiệp phân theo nhóm ngành công nghiệp: toàn bộ biểu đồ trang 16 bị chữa lại; ở trang 17: Các số liệu về sản lượng dầu; Giá trị sản xuất luyện kim; Giá trị sản xuất công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm… làm quá ẩu; Bản đồ kinh tế cũng có vấn đề. Đặc biệt trong tổng số 4 biểu đồ kinh tế năm 2000 vừa công bố đã phải bổ sung thêm khoảng 60 chi tiết mới.
Trong bản đồ thương mại, 2 bản đồ cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa; diện tích cây công nghiệp cũng bị chữa lại số liệu. Cụ thể, cuốn tái bản lần 7 ghi: diện tích hàng năm là 542.000 ha, lâu năm 657.000 ha; lần 8: 500.000 ha, 623 ha, đến lần 9 lại quay lại số liệu lần 7... ở lần thứ 9, Sông Đồng Nai (trang 23) bỗng nhiên biến thành dòng sông chết khi bị ngắt mất một đoạn. Hơn thế, cách thể hiện ký hiệu 2 Trung tâm nhiệt điện ở Vũng Tàu (trang 24) cũng sai...
Ông Trần Trọng Hà đang chỉ ra những lỗi sai trong các cuốn Atlat địa lý Việt Nam.
ở lần tái bản thứ 8, ông Nguyễn Đức Toàn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Tây đã chỉ ra rằng Atlat địa lý Việt Nam có vô khối "sạn". Thậm chí theo ông Trần Trọng Hà khi "đọc bông" cho cuốn này đã đề nghị phải làm lại (không phải là sửa lại) ở nhiều trang mới có thể sử dụng được. Số sạn ông liệt kê ra nhiều vô kể và dài tận 7 trang giấy A4, nhưng chỉ một phần trong số lỗi này được... sửa lại. Và dù không sửa theo góp ý của ông nhưng vẫn đưa tên ông vào trong cuốn sách. Rồi đến lần tái bản thứ 9 không ai "nhờ" ông nhặt "sạn" nữa.
Lần 8 vừa đưa khai thác than đá ở Điện Biên Phủ vào, lần 9 xóa luôn; riêng bản đồ du lịch đưa vào ở lần 8 thì đến lần 9 (trang 20) đã phải bổ sung thêm 18 chi tiết vì sai nghiêm trọng, nếu theo bản đồ này thì Hà Nội, Huế, Đà Nẵng không có di tích lịch sử nào. Khi vẽ bản đồ thu khung là để thể hiện toàn vẹn lãnh thổ, ở bản đồ địa chất (trang 6) có thể hiện hai mỏ khoáng sản là Lan Đỏ và Lan Tây nhưng ở bản đồ công nghiệp (trang 16) không đưa vào khai thác; trang 17 có thể hiện 2 mỏ này nhưng lại không có kinh tuyến, vĩ tuyến như vậy dẫn đến không có giá trị pháp lý...
Theo ông Hà, xét về mặt chuyên môn, chỉ riêng vấn đề bỏ sót chủ quyền hai mỏ đang khai thác đã đáng để thu hồi sách rồi. Một số chuyên gia cũng đề nghị nên thu hồi, chỉnh sửa thật hoàn chỉnh trước khi tái bản. Làm như vậy vừa đảm bảo tính pháp lý, chủ quyền quốc gia, vừa thuận lợi cho các thầy giáo và học sinh khi học tập. Khi đã chỉnh sửa hoàn chỉnh, sẽ loại bỏ toàn bộ các bản Atlat có sai sót trong 9 lần in vừa qua. Nếu không làm vậy, khi học sinh sử dụng số liệu ở các cuốn khác nhau trong một bài thi thì cái nào đúng? Địa lý vốn là môn học không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề về khí hậu, dân số... mà hơn thế còn giúp HS nhận biết được chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng trong tất cả cuốn Atlat hiện nay đều có sạn - trách nhiệm này thuộc về ai? Vấn đề là nếu thu hồi sách thì đơn vị hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do sách sai gây nên hay lại lấy từ túi Nhà nước?
HNMTC
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.