Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc thái mới cho bóng rổ Việt Nam

Minh An| 18/11/2016 07:21

(HNM) - Cách đây 4 tháng, Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) 2016 ra mắt ở Hà Nội và cho thấy ngay những tín hiệu tích cực về sự thay đổi trong cách tổ chức một môn thể thao chưa gây nhiều chú ý với người hâm mộ.


Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đồng thời cũng là người tham gia sáng lập nên VBA đã nói rằng: "Bóng rổ có nhiều tiềm năng phát triển và hoàn toàn có thể trở thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam. VBA được ra đời cũng nhằm mục tiêu gây sự chú ý với khán giả, qua đó tiếp thêm tình yêu bóng rổ cho khán giả và quan trọng nhất vẫn là giúp bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam, sau bóng đá”.

Ảnh: Q.L


Khâu đột phá để VBA thu hút, hấp dẫn khán giả trong suốt 4 tháng diễn ra giải đấu (từ tháng 7 đến tháng 11), chính là cách thức tổ chức giải - với nguyên mẫu là Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Đội bóng rổ nổi tiếng nhất Việt Nam hiện tại là Saigon Heat từng áp dụng cách tổ chức này, nhưng đấy là khi thi đấu tại các giải quốc tế. Còn áp dụng trong suốt một giải đấu kéo dài ở Việt Nam lại là chuyện khác. Ở mọi trận đấu tại VBA, yếu tố giải trí được đề cao song hành với yếu tố chuyên môn. Vì thế, người dẫn chương trình, âm nhạc, những vũ điệu bốc lửa và bắt mắt từ các đội cổ vũ được thay đổi liên tục giữa các trận khác nhau. Rồi các trò chơi vận động ở thời gian nghỉ thi đấu hoặc trước trận đấu luôn cuốn hút khán giả.

Cách thức bán vé ở VBA cũng rất linh hoạt, người hâm mộ có thể mua vé từ nhiều kênh: Mua trực tiếp, đặt qua mạng, với nhiều gói, mức giá khác nhau. Đắt đỏ nhất vẫn là hàng ghế sát đường biên dọc khi khán giả vừa được xem trận đấu ở cự ly gần nhất vừa được phục vụ đồ ăn, nước uống tận nơi. Ngay cả cách thức tổ chức thi đấu dù giải chỉ có 5 đội tham dự nhưng vẫn không gây cảm giác nhàm chán cũng là một trải nghiệm cho các nhà tổ chức. Việc các đội gặp nhau tới 4 lần ở vòng loại tưởng nhàm chán hóa lại mang đến sự thích thú cho khán giả với những kết quả khá bất ngờ khi có thắng, có thua trên cả sân nhà và sân khách. Thế nên, khán giả luôn lấp kín khán đài ở tất cả các trận đấu. Như ở Nhà thi đấu ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi CLB Thủ đô Hanoi Buffaloes chọn làm sân nhà, cả 9 trận đấu (8 trận vòng loại, 1 trận bán kết) của Hanoi Buffaloes đều kín khán giả. Điều đó mang đến cách nhìn mới về khả năng phát triển bóng rổ chuyên nghiệp tại Hà Nội, đặc biệt là ở các trường học đang thuộc diện mạnh nhất cả nước. Ông Todd Purves, HLV CLB Hanoi Buffaloes từng nói: “Các cầu thủ từ đội bóng Phòng không - Không quân kết hợp cùng đội Hà Nội và một số cầu thủ khác trên địa bàn đã tạo nên một gia đình Hanoi Buffaloes tuyệt vời. Đội bóng chúng tôi thực sự đã hòa hợp rất tốt với nhau. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh lớn nhất của đội. Sức mạnh đó càng nhân lên khi được khán giả luôn sát cánh trong mỗi trận đấu”.

Qua giải đấu, các nhà quản lý bóng rổ cũng có cái nhìn khác hơn. Phó Chủ nhiệm CLB Bóng rổ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Đào Văn Kiên cho rằng: "Rõ ràng, khâu tổ chức của VBA đã gợi mở nhiều cách tiếp cận khán giả ở các giải đấu bóng rổ. Hằng năm CLB Bóng rổ Hà Nội cũng tham gia tổ chức một số giải đấu phong trào nên có thể tham khảo cách thức tổ chức từ VBA để giải đấu hấp dẫn hơn. Tất nhiên, kinh phí tổ chức cũng là vấn đề”.

Rõ là bóng rổ Việt Nam đã có một tấm áo khoác mới thông qua VBA 2016. Bản thân các nhà tổ chức giải đấu các môn thể thao khác cũng nhìn nhận về cách thức tổ chức dưới một góc độ tích cực hơn, đa dạng hơn. Đấy là thành công không nhỏ. Bây giờ là lúc để phát huy những thành quả mà VBA đã mang lại cho bóng rổ Việt Nam chứ không chỉ xoa tay hài lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc thái mới cho bóng rổ Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.