Thị trường

Sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường kim loại

Lam Giang 19/07/2024 - 08:52

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch ngày 18-7, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều. Trong đó, sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường kim loại.

Lực bán chiếm thế áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index rơi thêm 0,41% xuống 2.201 điểm.

19.7-2-kl.png
Bảng giá kim loại ngày 18-7. Nguồn: MXV

Đối với kim loại quý, giá bạch kim đánh mất mốc 1.000 USD/ounce sau khi giảm 2,19%, đóng cửa tại mức 986 USD/ounce, thấp nhất một tháng. Giá bạc cũng suy yếu hơn 0,5% về 30,2 USD/ounce, mức thấp nhất hơn hai tuần qua.

Nguyên nhân chính gây sức ép lên nhóm kim loại quý là do sự mạnh lên của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đã phục hồi từ mức đáy 4 tháng, chốt phiên tăng 0,41% lên 104,17 điểm. Đồng USD tăng giá đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, qua đó làm suy yếu lực mua.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn để ngỏ khả năng hạ lãi suất và thời điểm xoay trục chính sách vẫn còn là ẩn số.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX biến động mạnh nhất nhóm khi để mất gần 3% về 9.386 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng hơn ba tháng qua. Đây cũng là phiên ghi nhận mức giảm lớn nhất của giá đồng kể từ đầu tháng 6. Trong thời gian gần đây, giá đồng liên tục gặp sức ép bởi nhu cầu còn yếu, đặc biệt là tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu Trung Quốc.

19.7-2-nlcn.png
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp ngày 18-7. Nguồn: MXV

Sau ba phiên giảm liên tiếp, đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, giá ca cao phục hồi gần 4%. Theo MXV, tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã góp phần đẩy giá ca cao đi lên.

Ở chiều ngược lại trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng cùng chiều với mức giảm lần lượt 1,99% với cà phê Robusta và 0,93% với cà phê Arabica. Giá tiếp tục neo theo biến động của đồng USD trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản mới.

Chỉ số Dollar Index tăng 0,41% vào phiên hôm qua, kết hợp cùng đồng Real nội tệ của Brazil yếu đi, khiến tỷ giá USD/BRL tăng thêm 1,15%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng có thể thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này đưa đến kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ có cải thiện và hoạt động xuất khẩu đi theo hướng mở rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường kim loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.