(HNM) - Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NÐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công (rượu tự nấu) bán ra thị trường phải có giấy phép đăng ký sản xuất, trên sản phẩm phải có dán nhãn. Thế nhưng, sau một tháng Nghị định 94 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật, trên địa bàn Hà Nội vẫn tràn lan rượu tự nấu không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác…
Một cơ sở nấu rượu tại xã Sơn Đồng (Hoài Đức). |
Dạo qua các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn Thủ đô, ở đâu chúng tôi cũng có thể mua được loại rượu do các cơ sở tư nhân, hộ gia đình tự nấu, không có nhãn mác. Anh Nguyễn Văn Bài, chủ một nhà hàng ở Văn Quán (Hà Đông) bộc bạch: "Theo quy định, rượu tự nấu phải đăng ký, dán nhãn mác, nhưng hầu hết khách hàng ăn uống đều không quan tâm đến điều đó. Họ chỉ chú ý đến chất lượng rượu và mức giá bán thế nào thôi. Chính vì vậy, nhà hàng cũng chỉ quan tâm xem cơ sở sản xuất rượu nào chất lượng tốt để mua về bán cho khách hàng sử dụng". Còn anh Hoàng Văn Nam, chủ một nhà hàng ở phường Đồng Tâm (Hai Bà Trưng) cho biết: "Tôi nghe láng máng là bán rượu phải có nhãn mác. Tuy nhiên, hàng ngày, nhà hàng của chúng tôi nhập hàng chục lít rượu từ nhiều cơ sở sản xuất rượu khác nhau, nhưng có thấy cơ sở cung cấp rượu nào dán nhãn mác theo quy định đâu?". Không chỉ những người kinh doanh hàng ăn vô tư mua bán rượu tự nấu không nhãn mác, nguồn gốc, ngay cả người cung cấp rượu cũng rất thoải mái sản xuất, không hề bị ai kiểm soát, kiểm tra. Anh Nguyễn Đình Dũng, chủ một cơ sở sản xuất rượu tự nấu ở huyện Chương Mỹ tâm sự: "Ngày nào gia đình tôi cũng cung cấp cho thị trường hàng trăm lít rượu, tất cả đều không có nhãn mác. Nếu phải thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ, thì tại sao những khách hàng của tôi vẫn thường xuyên đến lấy hàng, không thấy ai phản ánh hay thắc mắc gì. Và gia đình tôi cũng có thấy chính quyền địa phương thông báo, hướng dẫn gì đâu mà thực hiện?". Cùng chung quan điểm, chị Trần Thị Nguyệt, chủ cơ sở sản xuất rượu ở huyện Hoài Đức cho rằng: "Những cơ sở sản xuất rượu như chúng tôi đều làm ra và bán cho khách hàng quen thuộc, nên họ cũng không xa lạ nguồn gốc sản phẩm, cần gì phải dán nhãn mác, hay đăng ký cho mất thời gian". Chị Nguyệt cũng cho rằng, chất lượng rượu tự nấu ra sao, khách hàng là người đánh giá khách quan nhất. Nếu chất lượng kém, chắc chắn họ không mua nữa. Chị Kiều Thị Lan, ở xã Kim Quan (Thạch Thất) thì tỏ ra băn khoăn: "Hầu hết người mua đều lo ngại rượu không bảo đảm chất lượng, nên việc quản lý, kiểm soát chất lượng mặt hàng này là rất đúng đắn, hợp lý. Song, để thực hiện được không hề đơn giản chút nào. Nhiều năm nay gia đình tôi chỉ nấu rượu bán cho bà con trong vùng, rồi tận dụng bã để nuôi lợn, có kinh doanh gì lớn lao đâu mà đăng ký nhãn hiệu hay dán mác sản phẩm…".
Việc bắt buộc đăng ký sản xuất, thực hiện gắn tem, nhãn mác... vào sản phẩm rượu trước khi đưa ra thị trường sẽ tốt cho cả cơ quan chức năng, người sản xuất và người tiêu dùng. Với người tiêu dùng, biết được nguồn gốc, xuất xứ của rượu, sẽ yên tâm hơn khi sử dụng; cơ quan quản lý thì có "cái gậy" để quản lý chặt hơn; còn người sản xuất, nếu làm ăn chân chính, sản phẩm có chất lượng thì sẽ được tín nhiệm, bán được nhiều hàng hơn… Thế nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi, thì không chỉ địa bàn thành phố Hà Nội, chưa có một địa phương nào triển khai đăng ký sản xuất rượu thủ công theo đúng quy định của Nghị định 94. Trao đổi với lãnh đạo một số xã của các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ... thì đều nhận được sự băn khoăn, lúng túng trong việc triển khai thực hiện Nghị định 94/2012/NÐ-CP, bởi đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào?
Năm 2012, ngành y tế ghi nhận 643 trường hợp ngộ độc rượu, tăng 308 người; trong đó có 18 người tử vong, tăng 3 người so với năm 2011. Các trường hợp ngộ độc rượu đều từ nguyên nhân sử dụng rượu nấu thủ công, rượu tự pha chế, đặc biệt là tình trạng pha rượu từ cồn công nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.