(HNMCT) - Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 110km, huyện Hoàng Su Phì có địa hình đa dạng, phức tạp, từ đó hình thành nên hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Ấn tượng nhất phải kể đến những ngọn núi “cõng” trên mình những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, nối tiếp nhau như những khuông nhạc trên một bản hòa tấu bất tận. Di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được xếp hạng quốc gia và là một trong những điểm du lịch quan trọng của tỉnh Hà Giang.
Tuyệt tác của thiên nhiên và con người
Với các “phượt thủ” chuyên nghiệp, việc "đi phượt” để săn những khoảnh khắc đẹp vào mùa đổ nước hay mùa lúa chín tại Hoàng Su Phì từ lâu đã không còn xa lạ. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây có sức hấp dẫn lạ kỳ với giới nhiếp ảnh và những người đam mê du lịch bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng. Mỗi mùa, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lại mang một vẻ đẹp riêng. Mùa đổ nước (tháng 4 - tháng 6), những thửa ruộng bậc thang như hóa thành những tấm gương khổng lồ soi bóng trời mây. Đến mùa lúa chín (từ tháng 8 - tháng 10), khung cảnh nơi đây như biến thành một bản hòa tấu với những khuông nhạc là các thửa ruộng bậc thang, còn người dân và những ngôi nhà như những nốt nhạc. Chẳng thế mà giới “phượt thủ” vẫn truyền tai nhau “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” khi nói về vẻ đẹp độc đáo của ruộng bậc thang nơi đây.
Huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích ruộng bậc thang khoảng 3.700ha, trải dài trên toàn bộ 25 xã, thị trấn, nhưng những thửa ruộng đẹp và có quy mô lớn chủ yếu tập trung trên diện tích 1.380ha tại 11 xã Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Nậm Ty, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng... Đây là những địa điểm thuộc di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia vào các năm 2011 và 2016.
Không chỉ là tuyệt tác của thiên nhiên, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì còn là bản hùng ca về sức lao động và sự sáng tạo của cư dân bản địa. Từ những điều kiện tự nhiên sẵn có cùng tập quán sản xuất được hình thành từ lâu đời, người dân đã khắc phục khó khăn để tạo ra những thửa ruộng bậc thang ôm sát các sườn núi cheo leo. Tận mắt chứng kiến những thửa ruộng bậc thang “chảy tràn” từ đỉnh núi xuống, anh Trần Ngọc Minh, du khách đến từ quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) đã thốt lên rằng: “Người dân nơi đây thực sự là những nghệ sĩ, những kiến trúc sư tài tình khi kiến tạo nên tuyệt tác thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn như vậy”.
Điểm du lịch quan trọng
Không chỉ là một danh lam thắng cảnh, đến với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du khách còn có thể tìm hiểu tập quán canh tác của 12 dân tộc anh em cùng chung sống tại đây, mỗi dân tộc lại có một tập quán khác nhau. Nếu như người La Chí tận dụng tất cả những khu vực có thể canh tác được để làm ruộng bậc thang, người Nùng thường làm ruộng sát nhà với quan niệm “ruộng đâu nhà đấy”, thì ruộng của người Dao đỏ ở Hồ Thầu thường được bao quanh bởi những rừng vầu, xen kẽ với những thác nước tạo nên vẻ đẹp riêng có. Chính sự khác biệt trong phương thức canh tác của từng dân tộc mà ruộng bậc thang ở mỗi nơi lại có một vẻ đẹp khác nhau. Ở Thông Nguyên, Nậm Ty hay Sán Sả Hồ là những ruộng bậc thang rộng mênh mông, trải dài tít tắp, còn ở Bản Phùng là những khu ruộng đồ sộ, cao hàng trăm bậc...
Đan xen với sự đa dạng trong tập quán canh tác còn là những phong tục, lễ hội mang bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì như lễ cúng Bàn Vương của người Dao ở xã Hồ Thầu, hội chọi dê ở xã Thông Nguyên, Nậm Ty... được Hà Giang nỗ lực bảo tồn. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang chia sẻ: “Chúng tôi đang nghiên cứu, lập đề án bảo tồn và phát huy một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc để đưa vào khai thác hoạt động du lịch. Di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trong Không gian du lịch Tây Nam của tỉnh, với định hướng phát triển chính là du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa, trong đó, di tích ruộng bậc thang, núi Tây Côn Lĩnh là trọng tâm phát triển”.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì sẽ trở thành điểm du lịch địa phương quan trọng gắn với các hoạt động trải nghiệm như phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa tại bản dân tộc Tày thôn Làng Giang (xã Thông Nguyên), bản dân tộc Dao đỏ thôn Tả Phìn Hồ (xã Nậm Ty); xây dựng tour leo núi mạo hiểm, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi; thăm vùng trồng chè trên núi cao... Những sản phẩm này được kỳ vọng là điểm nhấn thu hút khách đến với Hà Giang trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.