(HNM) - Mới đây, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cuốn sách
Cuốn sách đã tập hợp các vấn đề chính ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh như thuế, xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, cơ sở hạ tầng và ban hành văn bản pháp luật... do 9 Hiệp hội doanh nghiệp (DN), gồm: Dệt may (VITAS); Da giày (LEFASO); Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP); Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Hồ Chí Minh; Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội (HASMEA); Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA); Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) kiến nghị.
Theo ý kiến của các DN, hiệp hội, việc nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành khá phổ biến, đặc biệt là việc nợ thông tư hướng dẫn thi hành. Đơn cử như Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011, nhưng đến ngày 28-9-2010, Bộ Tài chính mới ban hành thông tư hướng dẫn, tức là chỉ còn 3 tháng để DN xoay xở. Bên cạnh đó, tình trạng một văn bản luật hay nghị định đã hết hiệu lực nhưng thông tư hướng dẫn và các văn bản liên quan vẫn còn hiệu lực khá phổ biến. Điều này gây nhiều rủi ro cho cả DN và cơ quan nhà nước có liên quan trong việc áp dụng hoặc tuân thủ quy định pháp luật. Ví dụ Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA ngày 28-7-2007 của liên bộ Tài chính, Thương mại và Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu, lưu thông trên thị trường được ban hành khi tất cả các nghị định làm căn cứ ban hành thông tư này đều đã hết hiệu lực pháp luật.
Đặc biệt, theo số liệu của ban soạn thảo cuốn sách, hiện có tới 11.240 văn bản pháp luật không biết là còn hay đã hết hiệu lực. Điều này gây nhiều rủi ro cho DN cũng như cơ quan quản lý. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân chính là do quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ xác định hiệu lực pháp lý một văn bản còn hiệu lực hay hết. Mà hầu hết các văn bản chỉ có nêu một câu rất chung chung: "Các văn bản trước đây trái với quy định này đều hết hiệu lực thi hành".
Rõ ràng, các văn bản luật cần phải chi tiết, cụ thể hơn nữa, giảm tình trạng thường xuyên phải "chờ đợi" văn bản hướng dẫn; đồng thời, văn bản mới được ban hành phải liệt kê cụ thể và chỉ rõ các văn bản cũ nào hoặc điều, khoản trong văn bản nào sẽ hết hiệu lực. Nên chăng, điều này cần đưa vào nội dung bắt buộc của công tác kiểm soát thủ tục hành chính - một công việc đang được triển khai tại các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.