(HNM) - Sim Sang Joon, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc; bảo vệ luận án thạc sĩ tại Mỹ; sang Việt Nam năm 1993 làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành lịch sử tại khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001.
(HNM) - Sim Sang Joon, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc; bảo vệ luận án thạc sĩ tại Mỹ; sang Việt Nam năm 1993 làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành lịch sử tại khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001.
Hiện ông là Giám đốc chi nhánh Quỹ viện trợ quốc tế Hàn Quốc ở Việt Nam, đồng thời là Giám đốc điều hành Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt-Hàn. TS Sim Sang Joon có sự liên tưởng khá thú vị về rùa đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và người Việt. Ông đã gửi bài viết này cho Hànộimới, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.
![]()
|
Rùa đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Tháng 7 là tháng cao điểm với mùa thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam. Nếu như ở Hàn Quốc, mùa thi nóng lên với món kẹo kéo thì mùa thi tuyển sinh ở Việt Nam lại nổi bật sự háo hức tiếp cận với những cụ rùa đá đội bia tại Văn Miếu của các thí sinh. Cứ đến mùa thi là các thí sinh lại lũ lượt rủ nhau đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam tọa lạc tại trung tâm thành phố Hà Nội. Các thí sinh đến đó, một mặt làm lễ cầu may trong kỳ thi, mặt khác nhằm mục đích sờ tay lên đầu những tấm bia rùa đá. Họ tin rằng nếu chạm tay lên đầu rùa sẽ may mắn có cơ hội đỗ đạt trong kỳ thi tuyển sắp tới. Việc các sĩ tử đổ xô đến sờ đầu rùa nhiều đến mức khiến cho những đầu rùa này trở nên nhẵn bóng.
Chỉ cần bước chân vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ta sẽ thấy ngay từ kết cấu kiến trúc nơi đây cũng mang đậm dấu ấn Việt Nam. Tiêu biểu nhất là cấu trúc lấy trung tâm "Thiên quang tỉnh" (giếng nước đón ánh sáng tri thức từ trời cao), từ đó trải dài hai bên là hai hàng bia đá với 82 tấm bia tiến sĩ. Tất cả các tấm bia này đều được đặt trên mai rùa. Những tấm bia này bắt đầu có từ đời vua Lê Thánh Tông - vị vua hết sức sùng bái đạo Nho cho xây dựng với mục đích tôn vinh những hiền tài của đất nước và khuyến khích hơn nữa truyền thống học hành cho con cháu hiện tại và cả sau này. Trên bia đá có khắc tên tuổi của 1.307 vị tiến sĩ đỗ đạt từ năm 1442 đến năm 1779. Ở Việt Nam học vị cuối cùng là tiến sĩ vẫn được giữ nguyên tên gọi cho đến bây giờ. Trên các tấm bia này ngoài tên tuổi còn khắc cả nội dung ca ngợi công đức của nhà vua và lý do tổ chức khoa thi; mục đích dựng bia đá và tên tuổi, chức vị của những người đã tham gia xây dựng; chủ quản cuộc thi và số lượng các thí sinh dự thi, tất cả đều bằng chữ Hán. Vậy tại sao tất cả những bia tiến sĩ này đều được đặt trên lưng rùa? Rùa là một trong tứ linh của Việt Nam cùng với long (rồng), lân, phụng (phượng hoàng) và đặc biệt nó còn là con vật tượng trưng cho sức sống trường thọ. Vì thế đặt bia đá trên lưng rùa còn có ý nghĩa mong cho tên tuổi các vị tiến sĩ được khắc trên đó sẽ mãi mãi vang danh như biểu trưng của loài vật này.
Mặt khác con rùa còn được người Việt coi như loài vật linh thiêng giống như vị thần hộ mệnh cho dân tộc mình. Truyền thuyết dựng nước của nhà nước cổ đại thứ hai ở Việt Nam là nhà nước Âu Lạc cũng có liên quan đến loài rùa. Và như thế, việc xây dựng Tháp Rùa ở giữa lòng hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô Hà Nội cũng có thể hiểu với cùng ý nghĩa như vậy. Thêm vào đó ta có thể thấy rằng truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm cũng có nhắc tới việc tướng quân Lê Lợi đã đánh đuổi hoàn toàn quân Minh xâm lược nhờ vào sự bảo hộ của thần rùa Kim Quy. Không chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước mà người viết bài này còn cảm thấy rằng, có lẽ do sùng bái con rùa như một loài vật thần thánh ngay từ khi ra đời lập thân mà con người Việt Nam cũng có nhiều nét ưu việt giống thuộc tính của loài rùa đến lạ. Và hơn tất cả là mỗi khi có kẻ thù mạnh hơn mình đến tấn công, người Việt Nam sẽ không trực tiếp đối đầu trực diện mà thường ẩn mình giống loài rùa, nhằm làm vô hiệu hóa sự công kích của kẻ thù. Ngoài ra, dân tộc Việt lấy yếu đánh mạnh, không thể kết thúc chiến tranh một cách chóng vánh nên đã kéo dài thành cuộc kháng chiến trường kỳ, điều đó cũng tựa như bản tính chắc chắn của loài rùa vậy. Không chỉ có thế, đặc điểm của loài rùa - động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng lên và giảm đi theo nhiệt độ môi trường bên ngoài cũng giống như con người Việt Nam hòa đồng và năng động, thích ứng nhanh với biến đổi của hoàn cảnh môi trường sống.
Khác với miền Nam, miền Bắc Việt Nam có độ ẩm cao nên vào mùa hè tiết trời rất nóng bức. Và cũng vì độ ẩm lớn mà mùa đông ở miền Bắc cũng rất lạnh. Thế nhưng cho dù không có các tiện nghi hiện đại như máy sưởi hay điều hòa, thì người Việt Nam cũng vẫn chịu nhiệt rất tốt. Cách đây không lâu đã có một đợt nắng nóng dữ dội nhiệt độ cao tới trên dưới 45oC. Vậy mà trong cái nắng nóng như vậy người Việt vẫn có thể điều tiết thể trạng cho phù hợp với nhiệt độ bên ngoài và chịu đựng giỏi giống như loài rùa vậy !
TS SIM SANG JOON