Vào thời điểm những ngày cuối tháng 12-1972, Hà Nội bị tập kích chiến lược của pháo đài bay B52 - là thủ đô duy nhất trên lục địa này bị tai họa khủng khiếp bằng chiến tranh hủy diệt của không quân Mỹ. Nhưng Hà Nội không bất ngờ, mà vẫn bình tĩnh chủ động với khí thế quyết đánh, quyết thắng như Bác Hồ đã khẳng định từ ngày 19-7-1965 lúc Người đến thăm bộ đội phòng không khi quân Mỹ mới đưa B52 vào chiến trường miền Nam
Xác máy bay B52 của Mỹ rơi trên hồ Ngọc Hà
Nhưng Hà Nội không bất ngờ, mà vẫn bình tĩnh chủ động với khí thế quyết đánh, quyết thắng như Bác Hồ đã khẳng định từ ngày 19-7-1965 lúc Người đến thăm bộ đội phòng không khi quân Mỹ mới đưa B52 vào chiến trường miền Nam và lần đầu tiên chúng ném bom rải thảm xuống Bến Cát - Tây Bắc Sài Gòn ngày 18-6-1965: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có dùng B57, B52 hay B gì đi nữa, chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là phải thắng”. Lời Bác cùng chỉ thị của Bộ Chính trị và mệnh lệnh Bộ Quốc phòng sau này, đã trở thành niềm tin và động lực để quân và dân ta tạo nên chiến thắng lịch sử của trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội cuối năm 1972.
Từ 14-12-1972 tại Nhà Trắng, Ních-xơn đã ra lệnh không quân Mỹ mở chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II (*) tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng huy động tới 50% lực lượng không quân chiến lược với 200 máy bay B52 gồm 729 lần chiếc và toàn bộ máy bay chiến thuật vùng Đông Nam á gồm hơn 1.000 chiếc, sử dụng 10 vạn tấn bom rải thảm xuống các khu dân cư, bệnh viện, trường học... Với khối lượng sắt thép ấy, họ cho rằng Hà Nội sẽ không thể nào chịu đựng nổi sức mạnh của một Hirosima năm 1945 được lặp lại mà không cần dùng bom nguyên tử. Bộ Tư lệnh không quân Mỹ dự tính chiến dịch rải thảm này chỉ cần 5 ngày sẽ kết thúc với sự “đầu hàng” của Hà Nội, còn các phi hành đoàn B52 thực hiện các phi vụ này chỉ như một cuộc dạo chơi, vì B52 với độ cao trên 20km vượt khỏi tầm các loại vũ khí phòng không của ta lúc bấy giờ.
Đúng như dự đoán và thông báo trước của Bộ Tổng tham mưu ta, 20 giờ 10 phút ngày 18-12-1972, một tốp B52 xuất hiện từ phía Bắc dãy Tam Đảo hướng lên vùng trời phía Thái Nguyên rồi vòng xuống để cắt bom rải thảm Hà Nội. Các lực lượng vũ trang ta đã sẵn sàng. Với kỹ thuật thành thạo và sáng tạo cải tiến kỹ thuật phá nhiễu theo cách đánh của Việt Nam, các trắc thủ rađa đã bắt được B52 lọt vào hình màng hiện sóng - mặc dù chúng phóng ken dày đầy nhiễu bao bọc các tốp B52. Chiếc đi đầu cách trận địa tên lửa của tiểu đoàn 59 chừng 35km, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thắng ra lệnh phóng ngay hai đầu đạn để diệt chiếc đi đầu. Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận cùng kíp trắc thủ đã “đưa gọn” đầu đạn tên lửa thứ nhất nổ đúng mục tiêu chiếc B52 này.
Giờ phút mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ trên không giáng trả B52 trên bầu trời Hà Nội đã điểm ! Chiếc pháo đài bay của không lực Hoa Kỳ bùng cháy tại chỗ như ngọn đuốc khổng lồ, rơi lả tả từng mảng xác giữa cánh đồng Chuôm - xã Phù Lỗ - huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội, chỉ cách quốc lộ 3 vài trăm mét vào lúc 20 giờ 16 phút ngày 18-12-1972. Ngay sau đó 4 phút, tại Tổng hành dinh Bộ Tổng tư lệnh trong Điện Kính Thiên thành cổ Thăng Long, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận được báo cáo của Đại tá Nguyễn Quang Bích - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không: “Báo cáo Đại tướng, lúc 20 giờ 16 phút tiểu đoàn 59 trung đoàn tên lửa 261 bộ đội Phòng không Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một chiếc B52. Đó là chiếc B52 cất cánh từ Guam”. Tin vui đã tràn ngập Sở chỉ huy Tổng hành dinh, loan khắp các trận địa và cả thủ đô Hà Nội.
Tuy bị giáng trả bất ngờ,nhưng suốt đêm 18-12 chúng đã sử dụng tới 90 lần chiếc B52 cùng với 163 lần chiếc không quân chiến thuật liên tiếp mở 3 đợt đánh vào nội thành Hà Nội, Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên, Mễ Trì, Hòa Mục... Trong đêm này ta bắn rơi 7 chiếc có 3 chiếc B52. Tiếp theo liên tục từ ngày 19 đến 24-12, mỗi ngày đêm chúng dùng từ 200 đến 300 lần chiếc tiếp tục thực hiện chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II hòng giành chiến thắng theo kế hoạch kết thúc chiến dịch trong 5 ngày như đã định. Nhưng đã bị ta liên tiếp bắn rơi 50 chiếc nữa, trong đó có 18 chiếc B52 và nhiều phi công sừng sỏ của Mỹ bị bắt làm tù binh. Ngay chiều ngày 19-12-1972 tại câu lạc bộ quốc tế trên đường Lê Hồng Phong - Hà Nội, trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng ta đãvạch trần tội ác của Mỹ, thông báo kết quả ta đã tiêu diệt nhiều B52, cùng với 6 tù binh Mỹ cúi đầu trình diện trước các nhà báo trong và ngoài nước.
Sau những ngày mở chiến dịch rải thảm B52 vào Hà Nội và chuốc lấy thảm bại nặng nề, ngày 25-12, hãng thông tấn AP-Mỹ đã phải loan tin: “Đây là ngày thứsáu liên tiếp của cuộc tấn công chớp nhoáng lớn nhất trong cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Cuộc tấn công này đã phải trả giá đắt nhất đối với Mỹ kể từ khi Mỹ bắt đầu tấn công bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam tháng 9-1964, thiệt hại của Mỹ là nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh này”.
Trước sự thiệt hại bất ngờ không lường trước nổi, Bộ Tổng tham mưu chiến lược Mỹ buộc phải kéo dài chiến dịch thành 2 đợt. Vậy là đâm lao chúng phải theo lao. Sau đêm Noel 25-12, chúng lại mở tiếp đợt 2 từ 26-12 đến 29-12, ngay đêm mở đầu đợt 2, chúng dùng 120 lần chiếc B52 tập trung đánh vào các khu dân cư Hà Nội với sự yểm trợ của 180 chiếc máy bay chiến thuật. Đêm 26-12, Mỹ huy động cả trăm lần chiếc B52 đánh phá vào hơn 100 điểm khu dân cư nội thành. Gần 11 giờ khuya chúng rải thảm trùm lên cả khu phố Khâm Thiên, trong chốc lát khu phố này hầu như bị hủy diệt.
Ngút cao căm thù và thừa thắng, lực lượng phòng không ta tiếp tục đánh trả quyết liệt, càng đánh càng mạnh, càng có nhiều kinh nghiệm. Trong ngày và đêm 26 rạng 27-12 ta đã bắn rơi 18 chiếc, có 8 chiếc B52 và 2 chiếc F4. Đây là ngày ta bắn rụng B52 nhiều nhất kể từ khi chúng mở chiến dịch này. Tiếp theo ngày và đêm 27-12 ta lại bắn rơi 14 chiếc, có 4 chiếc B52.
Phối hợp với các lực lượng phòng không, không quân ta cũng đã tham gia đánh B52. Lần đầu tiên phi công Phạm Tuân lái Mig 21 bắn rơi B52 trên không phận tỉnh Hòa Bình đêm 27-12 khi chúng chưa kịp tiếp cận được mục tiêu Hà Nội.
Cùng với bộ đội phòng không chủ lực, lưới lửa tầm thấp của lực lượng dân quân tự vệ thủ đô cũng đã ken dày trên bầu trời Hà Nội. Với 5 khẩu đội súng máy cao xạ 14,5 ly của tự vệ nhà máy Mai Động, Lương Yên và nhà máy gỗ Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay cường kích F111 cánh cụp cánh xòe tại địa bàn thủ đô, bắt sống giặc lái.
Sau khi buộc phải kéo dài chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II tới 12 ngày đêm và đã phải trả giá với 77 chiếc máy bay bị bắn rơi, trong đó có 5 F111 và 33 chiếc B52, có chiếc rơi ngay vào giữa lòng hồ làng hoa Ngọc Hà và nay đã trở thành di tích của khu vực Bảo tàng chiến thắng B52 bên cạnh phố Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội. Ngoài ra hàng trăm giặc lái bị tiêu diệt và bắt làm tù binh.
Không thể chịu nổi sự thất bại này, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận nối lại đàm phán để ký chính thức Hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27-1-1973. Mưu đồ của Mỹ muốn miền Bắc “trở lại thời kỳ đồ đá” đã bị đập tan bởi một Điện Biên Phủ thứ hai trên không đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ từ đầu năm 1968: “Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội”. Và, cái sự thua ấy đã dẫn tới sự kiện quân Mỹ phải tháo chạy thục mạng khỏi Việt Nam ngày 30-4-1975.
HNM
(*) Chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ I tháng 5-1972 dùng B52 đánh chặn trên đường Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.