Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách cho hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, ngày 20-6-2023, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã 2023 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Văn bản quy phạm pháp luật này được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã, phát huy các lợi thế, tăng sức cạnh tranh.
Nhiều tồn tại chờ tháo gỡ
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy, hiện các ngân hàng cũng như quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã chỉ cho hợp tác xã vay vốn theo hình thức thế chấp tài sản, lãi suất chưa ưu đãi hấp dẫn, chưa thực hiện theo hình thức tín chấp. Điều này khiến các hợp tác xã gặp khó khăn trong việc đầu tư thêm máy móc, phương tiện sản xuất...
Mặc dù đã có chủ trương hợp tác xã được tạo điều kiện về thuê đất cũng như xây dựng trụ sở, song Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Lao (xã Đông La, huyện Hoài Đức) Phan Huy Chiến cho rằng, thời gian qua, có rất ít hợp tác xã, tổ hợp tác được tạo điều kiện về mặt bằng trụ sở, sở hữu đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Lao đã kiến nghị, đề xuất gần 10 năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết, trụ sở làm việc vẫn phải nhờ trụ sở UBND xã.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, trên địa bàn huyện hiện có nhiều hợp tác xã dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể giải thể, vì bắt buộc phải thành lập hội đồng giải thể và đăng báo liên tiếp 3 số... Đây là những điều kiện rất khó thực hiện đối với những hợp tác xã đang không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì thế địa phương còn hàng chục hợp tác xã nông nghiệp chưa thể giải thể. Bên cạnh đó, các thủ tục thành lập hợp tác xã vẫn còn bất cập, như hợp tác xã phải có phương án sản xuất, kinh doanh…
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, các nước trên thế giới đang làm rất tốt việc giúp hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ, giao quyền sử dụng đất... Chẳng hạn ở Philippines, ngoài Cơ quan phát triển hợp tác xã (CDA) của nước này chủ trì, các ban, ngành khác cũng có nghĩa vụ hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng cho hợp tác xã.
Còn tại Thái Lan, phân loại hợp tác xã làm hai lĩnh vực: Nông nghiệp và phi nông nghiệp, tạo thuận lợi trong hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận chính sách. Điều quan trọng nhất là, các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã phải dễ thực hiện, phù hợp với đặc thù của các thành viên hợp tác xã, từ đó chính sách mới phát huy hiệu quả.
Các chính sách hỗ trợ sẽ thông thoáng hơn
Nhằm giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động tốt hơn, Luật Hợp tác xã 2023 đã bãi bỏ hàng loạt các quy định gây khó khăn, vướng mắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Luật Hợp tác xã 2023 bỏ quy định bắt buộc thành lập hội đồng giải thể, thay vào đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chịu trách nhiệm thực hiện giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xóa tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày. Khi thành lập hợp tác xã cũng không cần phương án sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành của hợp tác xã, như quy định về tổ chức đại hội thành viên trực tuyến, bỏ phiếu biểu quyết điện tử, giúp giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức kinh tế tập thể.
Luật cũng bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên hợp tác xã tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, để chính sách về vốn đi vào cuộc sống, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố cho rằng, các quỹ phát triển hợp tác xã, ngân hàng… cần sớm nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức cho vay tín chấp, ủy thác, giải ngân ngay tại cơ sở như Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện. Điều này sẽ giúp các hợp tác xã tiếp cận vốn một cách thuận lợi hơn.
Liên quan đến vấn đề đất đai cho hợp tác xã, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, các văn bản dưới luật cần chi tiết, cụ thể hơn về thời hạn, thủ tục, điều kiện… để hợp tác xã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, như: Chính quyền xã có trách nhiệm rà soát quỹ đất công, bố trí vị trí quỹ đất phù hợp và ngành Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ pháp lý liên quan thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã...
Luật Hợp tác xã 2023 được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng hơn cho hợp tác xã phát triển, từng bước loại bỏ những trở ngại kìm hãm sự phát triển của hợp tác xã. Mặc dù vậy, để đưa luật vào cuộc sống, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của chính các hợp tác xã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.