(HNMO) - Một trong những “tảng đá” lớn chắn đường tự do hóa lãi suất trong tín dụng đã được “cất” vào lịch sử khi Quốc hội vừa chính thức bấm nút thông qua Bộ Luật dân sự sửa đổi (BLDS) với điều 468 quy định khá linh hoạt về lãi suất.
Nếu theo dõi các cuộc tranh luận sôi nổi về việc bỏ hay không bỏ quy định lãi suất cơ bản (LSCB) trong Bộ luật Dân sự tại kỳ họp Quốc hội lần này, sẽ dễ dàng nhận thấy, đây là một nỗ lực lớn của Quốc hội trước khi bấm nút thông qua một bộ luật có tác động lớn tới người dân và cả nền kinh tế.
Tự do lãi suất, chặng đường gian nan
Từ nhiều năm nay, thị trường tín dụng Việt Nam đã có những bước tiến dài nhằm hướng đến mục tiêu tự do hóa lãi suất. Giới chuyên gia tài chính nhận xét, chặng đường của quá trình tự do hóa lãi suất hiện đã đi được một nửa. Bởi trên thực tế, ngân hàng nhà nước (NHNN) chỉ khống chế lãi suất huy động ngắn hạn, còn lãi suất huy động dài hạn đã thả nổi. Lãi suất cho vay cũng chỉ khống chế ở một số lĩnh vực có tính chất ngắn hạn và ưu tiên. Như vậy, về cơ bản, việc điều hành thị trường tài chính tiền tệ của ta đã đi theo hướng tự do hóa lãi suất.
Ảnh: Hải Linh |
Thế nhưng, những sửa đổi xung quanh vấn đề LSCB trong lĩnh vực tín dụng đã khiến kỳ họp Quốc hội lần này có không ít phiên thảo luận nóng bỏng. Bởi tại Khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định, “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của LSCB do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Những tranh luận sôi nổi về lãi suất đã gần đi đến hồi kết khi bản Dự thảo BLDS tại khoản 3 Điều 491 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Nhận xét về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, thực tế không có LSCB, các quốc gia khác trên thế giới cũng không có, nên về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại. LSCB theo quy định tại Điều 483 là vấn đề khó bởi hiện nay, chúng ta không có LSCB, nói trung thực là như thế. Ý kiến này cho thấy, vấn đề đã trở nên quan trọng hơn nhiều, bởi việc sửa đổi quy định về lãi suất trong BLDS không chỉ dừng ở mức sửa về con số từ 150% lên 200% mà còn liên quan đến khái niệm về LSCB, là sự tồn tại hay không tồn tại hẳn một điều khoản của BLDS.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nên có LSCB để có một cái khung, một khuôn khổ pháp lý nhằm điều chỉnh những chính sách liên quan đến lãi suất, tránh xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng để trốn thuế. Tuy nhiên, ông vẫn băn khoăn rằng “theo cơ chế thị trường mà quy định ra LSCB thì rất khó khăn trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ”. Cuối cùng, ông đề xuất: “Chúng ta có Luật Hình sự quy định tội cho vay nặng lãi; Luật Dân sự quy định có LSCB, cho vay vượt 150% LSCB sẽ phạm tội cho vay nặng lãi; Luật NHNN quy định có LSCB và bốn là Luật các TCTD thì cho phép các bên thỏa thuận lãi suất. Như vậy, bỏ hay không bỏ LSCB là vấn đề lớn.
Điều hành lãi suất, việc của luật chuyên ngành
Với xu thế tất yếu là tiến tới tự do hóa lãi suất, Luật các tổ chức tín dụng đã nêu rõ: Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Một minh chứng đầy sức thuyết phục nữa về sự “vô hình” của LSCB là từ năm 2009 đến nay, NHNN không công bố LSCB mới, và LSCB vẫn “đóng đinh” ở con số 9% trong khi thị trường lãi suất biến động từng ngày từng giờ.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng phải có LSCB để Tòa án có cơ sở giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp. Bởi theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự, lãi suất theo thỏa thuận quy định không được vượt quá 150% LSCB. Ở Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng, thì lãi suất theo thỏa thuận. Đối với các tranh chấp trong tổ chức tín dụng, hiện tòa án giải quyết theo lãi suất thỏa thuận, còn ngoài tổ chức tín dụng thì giải quyết theo Điều 476”…
Sau nhiều phiên thảo luận, ghi nhận và lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã nhất trí thông qua nội dung về lãi suất được quy định trong BLDS sửa đổi. Với quy định vừa được thông qua, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, mọi khúc mắc của các bên trong tranh luận cuộc tranh luận về tự do lãi suất về cơ bản đã được giải quyết. Điều 468 BLSD sửa đổi vừa được thông qua có quy định về lãi suất đủ “cứng” để bảo vệ người dân, ngăn chặn các hành vi cho vay nặng lãi trong “tín dụng đen”. Điều luật mới cũng đủ “mềm” cho quá trình tiến tới tự do hóa lãi suất, bởi quy định “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” sẽ “trả sân” cho các tổ chức tín dụng được hoạt động theo luật chuyên ngành. Với quy định chặt chẽ, khúc triết này, con đường tự do hóa lãi suất sẽ tiến thêm một bước, tạo điều kiện lĩnh vực tài chính-ngân hàng vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế phát triển lành mạnh và phù hợp với thông lệ quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.