Hơn 3 vạn khách trẩy hội Chùa Hương (HNM) - Hôm qua 8-2 (mùng 6 tháng Giêng), tiết trời xuân Hà Nội tuyệt đẹp. Nắng rót những giọt vàng óng ánh hòa cùng làn gió xuân phủ kín đất trời thôi thúc hàng vạn người dân Thủ đô và khách thập phương du xuân, trẩy hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, Cổ Loa.
Đặc biệt, Lễ hội Hai Bà Trưng có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; lễ hội Đền Cổ Loa có sự hiện diện của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng...
Tưng bừng vào hội
Lễ hội Gióng Đền Sóc. Ảnh: Thanh Tùng
8h30, sau nghi thức dâng hương trước anh linh hai vị nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lễ hội Hai Bà Trưng diễn ra tưng từng trong không gian di tích Đền thờ Hai Bà ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Mở đầu là lễ rước kiệu vua, voi chiến, cùng các lễ vật từ đình Hạ Lôi đến Đền thờ Hai Bà Trưng. Tiếp đó, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã kể lại chiến công hiển hách của Hai Bà bằng ngôn ngữ nghệ thuật tuồng. Như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định: "Lịch sử mãi mãi khắc ghi hình ảnh Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa để đền nợ nước, trả thù nhà, dẹp tan quân xâm lược, mở đầu cho kỷ nguyên chiến đấu giành độc lập dân tộc của nhân dân ta".
Lễ hội Đền Cổ Loa (Đông Anh) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người đã có công xây thành Cổ Loa, lập nên quốc gia Âu Lạc được khai mạc theo đúng nghi lễ truyền thống. Những dòng người nối tiếp nhau tế lễ, rước kiệu "bát xã", dâng hương trong âm hưởng hào hùng của tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chiêng. Các trò chơi dân gian như chọi gà, ném còn, đu tiên, cờ người… cũng được người tham dự hội nhiệt tình hưởng ứng.
Hội Đền Sóc (Sóc Sơn) tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) trong năm đầu tiên trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã không phụ lòng mong đợi của những người yêu quý lễ hội cổ truyền. Tại đây, một lần nữa người dân có thể hiểu hơn lòng yêu nước, tinh thần thượng võ cũng như sự gắn kết cộng đồng của người Việt Nam qua các lễ rước mang tính biểu tượng như: Lễ rước voi ngà, ngựa, giò hoa tre... Không phải là lần đầu tiên dự hội Đền Sóc, song bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO vẫn kinh ngạc thốt lên: "Tôi đặc biệt ấn tượng với cách thức tổ chức lễ hội tại Đền Sóc, bởi ở đây quy tụ được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong vùng. Các cách thức tiến hành nghi lễ cũng hết sức độc đáo và mang đậm bản sắc riêng".
Còn ở phía tây Thủ đô, chốn "Nam Thiên đệ nhất động" trong ngày khai hội Chùa Hương đã đón hơn 3 vạn lượt khách gần xa về lễ Phật, du xuân. Chương trình ca múa nhạc, hát quan họ, ca trù, chầu văn, múa tứ lân sôi động, hấp dẫn tại sân Thiên Trù trong lễ khai mạc được người dự hội đón nhận đầy thích thú.
Còn nhiều băn khoăn
Trước mỗi mùa lễ hội, dư luận không khỏi băn khoăn về những điều trần tục có thể xảy ra ở chốn linh thiêng. Đến với các lễ hội lớn của Thủ đô trong ngày khai mạc, một lần nữa không ít người vẫn thấy nhói lòng.
Không thể phủ nhận rằng, Lễ hội Chùa Hương năm nay có nhiều tiến bộ. Lượng khách hành hương về đất Phật Hương Sơn đến ngày hôm qua (8-2) đã lên tới gần 14 vạn người nhưng chưa xảy ra ùn tắc giao thông, xuồng đò cũng như mất an ninh trật tự. Hệ thống hàng quán dịch vụ được bố trí trật tự, thông thoáng hơn và không còn cảnh loa đài quảng cáo rao vặt mở hết công suất. Hàng nghìn thùng rác được bố trí trên các xuồng đò và dọc đường đi đã góp phần giảm đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên, hiện tượng chèo kéo khách lại xuất hiện với những chiêu thức tinh vi, đó là đóng giả khách tham quan, giả người hành nghề xe ôm để "bắt khách". Các hàng quán công khai bày bán thịt thú rừng giả để lừa khách như mèo con thui kỹ thành cầy đá, sóc; mèo to, thỏ sau khi cắt tai trở thành cầy hương, chồn... vừa làm giảm đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật, vừa khiến không ít du khách bực mình... Hơn thế, các chủ đò vẫn đòi du khách "bồi dưỡng" từ 50.000-150.000 đồng/lượt trong khi giá vé đò, vé tham quan được niêm yết khắp nơi trong khu di tích. Chị Nguyễn Thị Ngát, một du khách đến từ xã Vân Hòa (Ba Vì) khi thắc mắc về giá đò không đúng quy định thì được chủ đò giải thích rằng, giá đò mà BTC đưa ra quá thấp nên chủ đò buộc phải tìm mọi cách "lách luật" để sống.
Để bảo đảm an toàn cho du khách về trẩy hội Đền Sóc, BTC đã bố trí 18 chốt và 5 đội bảo vệ liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra ùn tắc giao thông, gây rối trật tự công cộng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu vực diễn ra lễ hội. Tuy nhiên, theo phản ánh của bác Nguyễn Thị Mùi (67 tuổi, đến từ TP Nam Định) thì các bãi gửi xe đều thu phí cao gấp nhiều lần quy định, tình trạng tranh giành lễ vật vẫn diễn ra. Việc "chặt chém" du khách cũng đã diễn ra ở Lễ hội Đền Cổ Loa. BTC chỉ quy định thu phí 2.000 đồng/xe máy, 1.000 đồng/xe đạp nhưng các dịch vụ trông xe tại đây đã "chém đẹp" du khách với 10.000 đồng đến 20.000 đồng/xe máy. Các cửa hàng ăn "móc túi' khách hàng với 20.000 đồng - 30.000 đồng một đĩa bánh cuốn hay bát bún ốc. Không những thế, dãy hàng quán trước di tích đền Cổ Loa hết sức lộn xộn, quần áo rét, túi xách đại hạ giá chen lẫn cửa hàng ăn, cửa hàng ăn lại "tấn công" khu vực dành cho các trò chơi dân gian...
Mùa lễ hội xuân Tân Mão mới chỉ bắt đầu. Mong rằng những hạn chế trên sớm được các BTC có biện pháp khắc phục để các lễ hội truyền thống thực sự là nơi phô diễn nét đẹp văn hóa đầu xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.